Cần có cơ chế chính sách đặc thù đối với bác sĩ ở tuyến đầu

Bảo vệ đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế như thế nào trong tình hình hiện nay, khi sự an toàn của họ sẽ giúp bảo đảm cho sự an toàn của cộng đồng? Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi cùng Chuyện gia y tế dự phòng -PGS.TS Nguyễn Huy Nga – Trưởng Khoa Y tế công cộng và Điều dưỡng, Trường ĐH Quang Trung; nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Là một bác sĩ dày dạn kinh nghiệm trong mảng y tế dự phòng, đến nay ông đánh giá như thế nào về “phác đồ điều trị” cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 của Việt Nam? Cá nhân ông ấn tượng nhất về điều gì trong “trận chiến chống dịch” này?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Tôi đánh giá rất cao phác đồ điều trị của Bộ Y tế cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 của Việt Nam, phác đồ đó đã được một hội đồng tập hợp các chuyên gia giỏi nhất, có kinh nghiệm nhất về lâm sàng, bệnh học và dược học soạn thảo ra.
Việc chúng ta có 174 ca xác định nhiễm COVID-19 nhưng chưa có ca nào tử vong, trong khi tỷ lệ tử vong trên thế giới trung bình là 2-5%, tức là cứ 100 người bệnh thì có 2-5 người chết, tỷ lệ này ở những người cao tuổi là trên 10%. Điều đó đã minh chứng cho hiệu quả của việc điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế hiện nay. Phác đồ này cũng thường xuyên được cập nhật và bổ sung theo những kinh nghiệm lâm sàng trong nước và quốc tế.
Trong “trận chiến chống dịch này” cá nhân tôi ấn tượng nhất hai điểm: Thứ nhất là sự vào cuộc rất sớm, rất quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Từ Bộ chính trị đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ trưởng đều vào cuộc và chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế. Ngay cả Thủ tướng Chính phủ cho tới Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã liên tục trực tiếp chỉ đạo, thị sát chống dịch. Điều này trong lịch sử chống dịch của Việt Nam chưa bao giờ có.
Thứ hai, đó là tinh thần “chống dịch như chống giặc” lên rất cao. Cả nước theo dõi từng bước đi của con virus SARS-CoV-2, đếm từng bệnh nhân dương tính với virus, tất các báo giấy, báo mạng đều phủ kín bệnh COVID-19. Các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các cá nhân đã hỗ trợ rất nhiều về tài chính, vật tư. Điều này trước kia cũng chưa bao giờ xảy ra.
PV: Khi nhận được thông tin đã có bác sĩ dương tính với COVID-19, ông có bất ngờ không? Ông lí giải như thế nào khi 2 đồng nghiệp của mình nhiễm virus SARS-CoV-2. Điều này có đáng lo ngại không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Tôi thì không bất ngờ vì ở Italia, Pháp và Trung Quốc đã có hàng ngàn nhân viên y tế nhiễm bệnh và hàng chục bác sĩ đã tử vong. Thêm vào đó công tác phòng chống nhiễm khuẩn các bệnh viện ở Việt Nam còn kém xa các nước như Italia, Pháp. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia châu Âu khoảng 5%, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7%-19,1%.
Nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (2013), khảo sát tại Khoa Hồi sức tích cực của 15 bệnh viện từ ba miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%. Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, kết quả khảo sát tự đánh giá tại 558 bệnh viện năm 2019 cho thấy, tại Khoa Gây mê hồi sức, có 53,9% dụng cụ không được khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung; 31,2% đơn vị không có giám sát vi sinh không khí và môi trường…
Trong khi đó, tại Khoa Hồi sức tích cực, 56,1% dụng cụ không được xử lý tập trung tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn; 21% đơn vị không có giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện và vẫn còn khoảng 22,6% nhân viên vệ sinh chưa được đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn.
Hai bác sĩ bị nhiễm bệnh COVID-19 được coi là bệnh nghề nghiệp hoặc tai nạn nghề nghiệp. Trong một môi trường có tải lượng virus rất lớn phát sinh từ nhiều bệnh nhân nặng và với cường độ làm việc suốt ngày đêm thì việc nhiễm bệnh là không thể tránh khỏi. Thêm vào đó nhiều khi các trang thiết bị bảo hộ cũng chưa hoàn toàn đảm bảo an toàn thì cơ hội virus xâm nhập vào cơ thể là rất cao. Cũng như đánh trận, dù cẩn thận đến mấy cũng phải chấp nhận có hy sinh.
Điều này thực sự rất đáng quan ngại vì thiếu bác sĩ có kinh nghiệm, có tay nghề thì lấy ai mà chữa bệnh nếu dịch bùng phát mạnh.
PV: Thưa ông, để bệnh viện không trở thành “ổ dịch”, không phải đóng cửa, chúng ta phải làm thế nào?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Phải tăng cường giám sát, kiểm tra công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của các bệnh viện. Hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Tạm ngưng nhận những bệnh nhân chưa thật sự cấp thiết phải trị bệnh, các bệnh nhân mạn tính. Cung cấp đủ trang thiết bị bảo vệ nhân viên y tế, bảo vệ bệnh nhân.
Tăng cường huấn luyện cán bộ về phòng chống nhiễm khuẩn, đặc biệt huấn luyện sử dụng đúng các dụng cụ, quần áo bảo hộ, thao tác an toàn các trang thiết bị khám, chữa bệnh. Thực hiện tốt công tác vệ sinh bệnh viện, rửa tay với xà phòng hoặc chất sát khuẩn. Thông thoáng các phòng bệnh, trừ phòng áp suất âm, không sử dụng điều hòa nhiệt độ.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã có các ổ dịch như ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai khiến bệnh viện phải tạm đóng cửa. Khi một bệnh viện đóng cửa thì rất nguy hiểm vì nhiều bệnh nhân có các bệnh nguy cấp khác không được cứu chữa kịp thời và có thể bị tử vong. Đặc biệt các bác sĩ giỏi có thể bị cách ly không thực hiện được chức năng của mình.
Đây là hồi chuông cảnh báo để các bệnh viện khác phải tăng cường phòng chống nhiễm khuẩn; giám sát y tế người ra, vào bệnh viện; cảnh giác cao độ với bệnh nhân đến khám có nghi ngờ phải sàng lọc kỹ để sớm phát hiện bệnh.
PV: Hiện nay, theo đánh giá của ông, đầu tư trang bị cho đội ngũ y bác sĩ và trang thiết bị y tế cho “trận chiến” này của chúng ta có những điểm mạnh gì và còn hạn chế gì cần phải sớm khắc phục?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Hàng năm, ngành y tế cũng đã dự trù các cơ số phòng chống dịch, trong đó có đầu tư trang bị cho các nhân viên y tế nên bước đầu cũng đã không bị quá thiếu hụt ở những nơi tuyến đầu. Chúng ta có nhiều công ty, xí nghiệp có thể sản xuất ra đủ các chủng loại trang bị phòng hộ. Tuy nhiên vụ dịch này quá nhanh, quá nguy hiểm nên có lẽ cơ số dự trữ sẽ không đủ. Vì vậy chúng ta phải biết sử dụng nguồn lực đó đúng nơi, đúng chỗ và đúng đối tượng.
PV: Theo ông, để hạn chế thấp nhất rủi ro cho đội ngũ y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ quan trọng ở tuyến đầu, chúng ta cần có giải pháp cấp thiết và lâu dài như thế nào? Cả giải pháp về cơ chế chính sách?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Ngoài cung cấp đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, huấn luyện an toàn kỹ càng thì chúng ta cũng phải có giải pháp đảm bảo sức khỏe cho các bác sĩ, nhân viên y tế làm việc lâu dài. Chúng ta có thể thay đổi, luân phiên các nhóm công tác ở những vị trí rủi ro cao nhất, tăng cường bác sĩ từ các bệnh viện tuyến sau cho tuyến trước. Về cơ chế chính sách cũng phải có những chính sách đặc thù để bồi dưỡng vật chất nhiều lần hơn, động viên tinh thần cho các cán bộ y tế ở những vị trí xung yếu trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm.
PV: Hiện nay, có luồng quan điểm cho rằng, với những người đang thực hiện cách ly tập trung thay vì họ đang được miễn phí ăn, ở… họ nên thực hiện nghĩa vụ đóng phí để san sẻ gánh nặng với ngân sách quốc gia, đồng thời chúng ta có thêm nguồn lực hỗ trợ cho các lực lượng tham gia chống dịch? Ông có đồng tình với quan điểm này không và vì sao?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Tôi ủng hộ quan điểm đóng phí cách ly để giảm gánh nặng tài chính, nhân lực cho quốc gia và có thêm nguồn lực hỗ trợ chống dịch. Bởi vì ở nhà thì những đối tượng này cũng phải chi phí cho ăn ở và thậm chí họ có thể bỏ ra chi phí hơn nhiều lần để họ có thể thỏa mãn nhu cầu ăn ở của họ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải phân biệt rõ những người từ gia đình có điều kiện và những người xuất thân lao động, nghèo không đủ tiền trả chi phí cách ly.
PV: Chúng ta đang bước vào giai đoạn 3 chống dịch rất quyết liệt. Theo ông, để giai đoạn này này đạt hiệu quả tối ưu, chúng ta cần ưu tiên những giải pháp nào?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Chúng ta đang bước vào giai đoạn 3, đã có sự lây lan trong cộng đồng, đã có những bệnh nhân khó xác định nguồn lây nhiễm. Theo tôi, từ giai đoạn này, chúng ta có thể giảm bớt các đối tượng cách ly tập trung, tăng cường các biện pháp kiểm soát cách ly tại nhà hoặc tại trạm y tế xã, phường. Thậm chí, tiến tới chỉ có cách ly tại nhà và điều trị trong bệnh viện, hoặc các cơ sở y tế khác, tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh nếu dịch bùng phát mạnh trong cộng đồng.
PV: Sau đợt dịch COVID-19 này, chúng ta cần có sự chuẩn bị và giải pháp dài hơi nào để có thể chủ động nếu dịch lại bùng phát ở những năm tiếp theo?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Sau đợt dịch này thì chúng ta sẽ đúc rút kinh nghiệm, rút ra các bài học về thành công và khiếm khuyết để xây dựng một chiến lược đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh tới năm 2050. Nội dung của chiến lược tập trung vào công tác dự báo dịch, củng cố, hiện đại hóa hệ thống kiểm soát bệnh tật, kiểm dịch y tế, đào tạo, huấn luyện cán bộ chống dịch, diễn tập chống dịch thường xuyên và cung cấp ngân sách để dự trữ đủ các vật tư, trang thiết bị chống dịch hàng năm và đột xuất.
Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Xây dựng thêm các bệnh viện truyền nhiễm. Đặc biệt chúng ta phải đào tạo được một đội ngũ chuyên nghiệp gồm các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, dịch tễ học thực địa, y tế công cộng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!

Tag: 2 bác sĩ điều trị trực tiếp4 nhân viênbệnh nhân mắc bệnhbệnh viện hạng đặc biệtbướcchiến dịch chống dịch covid-19gần 4 nghìn bác sĩgiai đoạn 3hàng nghìn bác sĩlực lượng chủ lực góp sứcmặt khácnay việt nam đãnhân viênnơi tuyến đầu chống dịchnước phải tạm đóng cửatế nhiễm covid-19tế phải cách lytrận chiến
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
TẠP CHÍ YHDP
QUAN HỆ HỢP TÁC
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
VIDEO CLIP
BACK TO TOP