07/09/2016
Trong thời gian qua nhiều ý kiến và thông tin đã được Văn phòng Hội Y học dự phòng Việt Nam tập hợp thành một chuyên đề đang được nhiều người quan tâm. Chúng tôi xin giới thiệu và chia sẻ trích đoạn bài viết của một Trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh khu vực miền Bắc về những khó khăn và giải pháp cho Y tế dự phòng. Hy vọng với góc nhìn đa chiều, nhiều thông tin thiết thực hơn nữa sẽ được giới thiệu trên trang web của Hội.
“ Một số khó khăn về thực trạng hoạt động của Trung tâm y tế dự phòng:
1. Hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ không ổn định, hay bị thay đổi và chưa thống nhất giữa các địa phương.
2. Định biên hiện nay của YTDP tuyến tỉnh vẫn thực hiện theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV không còn phù hợp với nhiệm vụ hiện nay trong khi việc xây dựng Đề án vị trí việc làm thực hiện từ 2013 nhưng chưa được phê duyệt và thực hiện. Cách tính của các tỉnh cũng chưa thống nhất.
3. Cán bộ y tế, nhất là nhóm các bác sỹ đa khoa làm công tác YTDP chưa yên tâm công tác do thu nhập thấp, việc hành nghề không có quy định riêng và bị hạn chế trong hành nghề khám chữa bệnh ban đầu. Hoạt động YTDP cũng hay gặp các rủi do, nhất là trong tiêm chủng làm cho cán bộ làm công tác YTDP lo lắng, không yên tâm.
4. Cơ chế cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho hoạt động YTDP chưa thống nhất giữa các tỉnh, hiện ở tỉnh chúng tôi tính theo định biên thấp và không hợp lý. (53triệu đồng/người/năm bao gồm cho cả con người và hoạt động chuyên môn), mới chỉ đủ chi cho con người, chưa được cấp kinh phí hoạt động chuyên môn riêng. Các hoạt động thời gian qua chủ yếu dựa vào dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, nay chuyển thành chương trình, dự án mục tiêu kinh phí đã bị cắt giảm, chậm và chưa có hướng dẫn định mức chi cho các hoạt động. Kinh phí phòng chống dịch không được cấp trước nên thường chậm, khó đáp ứng kịp thời khi có tình huống khẩn cấp.
5. Phân tuyến kỹ thuật về YTDP chưa có, nên bị động trong chỉ đạo tuyến.
6. Trang thiết bị của Trung tâm còn thiếu về số lượng so với Chuẩn quốc gia và nhiều trang thiết bị cũ, lạc hậu chưa được bổ sung, thay thế.
7. Kế hoạch thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh sẽ thực hiện trong năm 2016 nhưng hiện nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn hoặc ban hành về chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức.
Đề xuất các giải pháp:
1. Sớm xây dựng và ban hành Luật Phòng bệnh hay Luật YTDP để quản lý và định hướng cho phát triển công tác YTDP được đồng bộ, toàn diện.
2. Thống nhất về mô hình tổ chức của hệ thống YTDP từ TW đến cơ sở và duy trì ổn định.
3. Thống nhất về thực hiện biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nhất là YTDP. Nếu theo dân số, vùng miền như Thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV thì cần sửa đổi, bổ sung sớm để phù hợp với nhiệm vụ và cơ chế hoạt động hiện nay. Nếu theo vị trí việc làm thì cần có thời hạn phê duyệt và thực hiện trên thực tế.
4. Nghiên cứu quy định thống nhất cách tính kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên YTDP theo dân số hoặc tách riêng phần chi cho con người và phần chi cho các hoạt động theo nhiệm vụ cụ thể. Trước mắt sớm có văn bản quy định, hướng dẫn nguồn và định mức chi kinh phí của các dự án, chương trình mục tiêu về Y tế giai đoạn 2016-2020. Quy định rõ tỷ lệ kinh phí TW và kinh phí địa phương chi cho hoạt động YTDP phải thực hiện. Dành nguồn kinh phí ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở YTDP.
5. Xây dựng chính sách bảo hiểm cho hoạt động YTDP, nhất là bảo hiểm cho hoạt động tiêm chủng.
6. Xây dựng, sửa đổi các tiêu chí về Chuẩn quốc gia Trung tâm YTDP tỉnh cho giai đoạn mới, theo hướng phát triển của Trung tâm kiểm soát bệnh tật. Đồng thời xây dựng, ban hành Phân tuyến kỹ thuật YTDP cho các tuyến và Chuẩn quốc gia cho Trung tâm Y tế tuyến huyện.
7. Cần có quy định riêng về hành nghề của cán bộ làm công tác YTDP, Bác sỹ làm công tác YTDP được hành nghề khám chữa bệnh ban đầu, thời gian thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề được công nhận ở ngay tại các đơn vị YTDP”.
PGS. TS. Nguyễn Anh Dũng
Hội Y học dự phòng Việt Nam