Một số cảm nghĩ sau hội thảo phối hợp công tư trong công tác tiêm chủng (tiếp theo)

  Đảm bảo truyền thông đúng và kịp thời


   29/09/2015


Mấy vấn đề cơ bản như đã nêu ở bài 1 có ý nghĩa thúc đẩy những công việc tiếp theo trong phạm vi hoạt động của công tác y tế dự phòng. Song, không chỉ như vậy, mà nó còn có liên quan tới nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội.

Sự quay trở lại có tính chu kỳ của một số loại bệnh truyền nhiễm và nguy cơ bùng phát thành dịch lây lan ra diện rộng là có khả năng và đã được cảnh báo, vai trò và hiệu quả  của ngành y tế dự phòng trong công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng đã được khẳng định. Nhưng,vì sao các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài) chỉ rộ lên mỗi khi có một sự cố tử vong chưa rõ nguyên nhân hoặc thiếu vắc xin, quá tải lượng người tiêm chủng… để truy xét, mà không nhập cuộc để tìm rõ nguyên nhân (khách quan và chủ quan); vì sao các cơ sở cung ứng lại lúng túng về số lượng vắc xin (sản xuất hoặc nhập khẩu) và các cơ sở dịch vụ lại lúng túng trong khâu tổ chức và triển khai tiêm chủng. Vì sao nhiều bác sĩ sau khi được đào tạo đều muốn hướng về bệnh viện?

Những câu hỏi này thuộc hai khía cạnh. Về chủ quan, công tác dự phòng chưa chủ động “từ xa”, cả về công tác chuyên môn, quản lý và cả về công tác truyền thông. Ở đây chỉ nói riêng về công tác truyền thông. Lâu nay, việc hiểu thuật ngữ “truyền thông” chưa đúng với bản chất của nó. Trước hết, bản thân những người làm công tác y tế dự phòng cũng đã đảm đương công việc truyền thông.Bằng nhiều hình thức phải làm cho xã hội biết, hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng và những lợi ích mà y tế dự phòng đem lại cho cộng đồng. Các nhà báo chuyên theo dõi lĩnh vực này không thể không am hiểu những kiến thức cơ bản về y tế dự phòng, để tạo cho mình một cái “phông” nhất định, cho phép thu thập, xử lý thông tin, từ đó nhận định, đánh giá và đưa ra những thông điệp kịp thời, chính xác và chân thực. Để tránh sự võ đoán, quy chụp (nhằm tăng lượng báo bán, tăng lượng quảng cáo…), quan thiết hơn là các nhà báo phải xác lập được sự liên quan giữa các lĩnh vực và sự tác động giữa chúng trong thời điểm và địa điểm diễn ra hiện tượng, để có cái nhìn tổng quan và thực tế trên mỗi bài viết của mình. Như vậy, nhà báo vừa phải có nghề vừa phải có tâm, thì tác phẩm mới có tầm, mới đem lại sự ổn định cho xã hội. Giữa nhà báo và người làm công tác y tế dự phòng phải thường xuyên liên hệ và trên tinh thần vì lợi ích của nhân dân. Việc thường xuyên ở đây, ngoài những vấn đề thuộc chuyên môn, nghiệp vụ, công tác tác nghiệp định kỳ, còn là mối quan tâm đến con người, đến những khó khăn của người làm công tác y tế dự phòng và các cơ sở, các địa phương thực thi nhiệm vụ này.Sự âm thầm của người làm công tác y tế dự phòng, thành tích hay sức chịu đựng để vượt lên thiếu thốn, khó khăn của hoàn cảnh, hầu như chưa được chú ý, quan tâm.Nếu làm tốt việc tuyên truyền này thì là nguồn động viên rất lớn, khích lệ từng cá nhân, từng cơ sở, từng địa phương phát huy tính năng động và sáng tạo. Biểu dương và phổ biến những mô hình sản xuất, kinh doanh hay cơ sở dịch vụ tốt cũng chưa được các báo-đài để tâm nhiều lắm. Quỹ hoạt động truyền thông về công tác Y tế dự phòng khi ra đời sẽ đóng vai trò tích cực trong công tác này.

 

Về khách quan, công tác truyền thông về y tế dự phòng cũng chưa nắm bắt đầy đủ những bất cập, nên có hiện tượng nóng vội ở một số bài báo. Công tác y tế dự phòng cũng không nằm ngoài “cái guồng quay” của cơ chế thị trường đang ở giai đoạn đầu. Ở thời hiện tại, còn thiếu rất nhiều thứ cần thiết, biết đấy nhưng chưa có điều kiện khắc phục, nhiều khi “lực bất tòng tâm”, vậy thì nóng vội cũng chẳng giải quyết được, đôi khi còn gây tác hại tới tâm lý chung của xã hội, thậm chí phủ định những công sức bấy lâu đã bỏ ra. Cái thiếu cơ bản hiện nay, trong tình hình khó khăn này, chính là thiếu sự liên hệ, quan hệ, vừa có tính chất nâng đỡ nhau vừa có tính giàng buộc lẫn nhau, vì mục tiêu chung. Thực tế này hiện diện ở trong tất cả các hoạt động của các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế-xã hội. Nó chỉ dần dần được xóa bỏ khi trình độ lực lượng sản xuất phát triển đồng bộ trong một cơ chế thông thoáng và linh hoạt, khi mà các lĩnh vực đều mở ra cánh cửa đón nhận sự thay đổi, trước tiên là thay đổi tư duy. Điều này càng chứng tỏ công tác truyền thông, trong đó có báo-đài, có ý nghĩa tác động lớn như thế nào. Chính truyền thông (báo-đài) cũng chưa tự mình thoát khỏi sự giàng buộc này.

 

Một vấn đề khác: Chắc chắn công tác y tế dự phòng không chỉ hướng tới mục tiêu nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vắc xin, mà còn hướng tới nhiều mục tiêu quan thiết khác liên quan tới sức khỏe con người. Phòng chống các loại bệnh tật, các loại bệnh thường xuất hiện và các loại bệnh xuất hiện trong quá trình tăng tốc đô thị hóa và công nghiệp hóa, trong hoàn cảnh môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm nặng nề, đang mở rộng mối quan tâm của công tác y tế dự phòng nói riêng, của toàn ngành Y tế nói chung. Nó cũng xuất hiện nhiều nội dung tác nghiệp, đòi hỏi có sự liên kết của nhiều lĩnh vực, nhiều thành phần khác nhau trong xã hội. Với phương châm “phòng hơn chống”, công tác truyền thông về y tế dự phòng không thể bỏ qua việc tuyên truyền từ những điều nhỏ nhất, hằng ngày mà con người thường gặp, đến những vấn đề có quy mô lớn hơn, tổng hợp hơn. Rõ ràng, truyền thông có rất nhiều việc để làm, không kể việc lớn hay việc nhỏ,việc nào cũng cần thiết, cũng có ý nghĩa đối với sức khỏe của con người.

Có lẽ, các tờ tạp chí và trang web. của Hội Y tế dự phòng cần mở rộng nội dung phản ánh và cải tiến cách thức phản ánh mang tính đa chiều, làm sao để đông đảo quần chúng bạn đọc được tiếp cận những vấn đề, những thông tin về hoạt động thường xuyên hay đột xuất, về con người và các cơ sở (sản xuất và dịch vụ)làm công tác y tế dự phòng. Dưới nhiều hình thức và thể loại (của báo chí, kể cả văn chương, các cuộc thi tìm hiểu và cả những hình ảnh đẹp tôn vinh các đơn vị, các cá nhân của hệ y học dự phòng) công chúng bạn đọc sẽ tiếp nhận nhanh chóng, dễ dàng những nội dung tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông. Đó cũng là nhu cầu và yêu cầu của xã hội và cộng đồng hiện nay. Cần lắm một nhạc trưởng cho bản giao hưởng các thông tin của Hội Y học dự phòng.


CAO NGỌC THẮNG

(Nhà báo) 


Tag:
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
TẠP CHÍ YHDP
QUAN HỆ HỢP TÁC
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
VIDEO CLIP
BACK TO TOP