Hãy cùng đọc về góc nhìn của một sinh viên học ngành Bác sỹ Y học dự phòng

23/11/2016


Văn phòng Hội xin trích đăng một bài viết theo góc nhìn của một sinh viên học ngành Bác sỹ Y học dự phòng để mọi người cùng đọc và suy ngẫm mặc dù vì lý do nào đó bài viết chưa có đoạn kết. 

“Ngành “Bác sĩ Y học dự phòng” có lẽ không còn xa lạ gì với sinh viên y, không giống như cách đây 7 năm, khi mới biết tới ngành này trên trang tuyển sinh của trường. Với một sinh viên YHDP, có lẽ sẽ chả mấy ai lại không chạnh lòng với câu hỏi “YHDP à, đó là ngành gì? Học xong sẽ làm gì? Học xong là làm ở đâu?”. Tuy nhiên, sự chạnh lòng đó rồi cũng bị lấn áp bởi rất nhiều sự chạnh lòng khác trên giảng đường. Có lẽ, các em sinh viên YHDP khóa sau sẽ đỡ hơn so với những khóa trước. Nhưng, đó không phải là điều làm cho em chán nản. Điều chúng em nản nhất đó là khi ra trường. Vì là góc nhìn của một sinh viên mới ra trường, đang làm trong hệ thống nhà nước, chưa được biên chế, nên góc nhìn của em sẽ không thể bao quát như những người đã đi trước và có kinh nghiệm lâu năm. Bác sĩ Y học dự phòng học cũng 6 năm như Bác sĩ Đa khoa, nhưng khi xin việc thì bị hạn chế hơn nhiều, và chủ yếu là xin việc tại các trung tâm y tế, một số khoa của bệnh viện khi học lên chuyên khoa. Thế nhưng, thực tế thì sinh viên y học dự phòng không được chào đón tại các trung tâm y tế bằng bác sĩ đa khoa. Ngay cả bài viết “Y tế dự phòng – góc nhìn đa chiều”, cũng nhấn mạnh “Cán bộ y tế, nhất là nhóm các bác sỹ đa khoa làm công tác YTDP chưa yên tâm công tác do thu nhập thấp, việc hành nghề không có quy định riêng và bị hạn chế trong hành nghề khám chữa bệnh ban đầu”. Vì Bác sĩ đa khoa được kí đơn, vì bác sĩ đa khoa được khám chữa bệnh, dễ luân chuyển, dễ điều động công việc hơn bác sĩ y học dự phòng hiện tại “không được kí đơn”. Và cũng không có gì, không có một quy định cụ thể việc khám chữa bệnh ban đầu của bác sĩ YHDP là như thế nào? Được kí đơn cho các bệnh thông thường hay không? …. Và vô số câu chuyện: trung tâm y tế dự phòng thà nhận chuyên tu, hoặc y sĩ chứ không nhận bác sĩ y học dự phòng. Vậy chúng em thà học 2-3 năm để làm y sĩ, rồi xin việc và học lên chứ học 6 năm thành Bác sĩ Dự phòng làm gì? 

Bên cạnh đó, Bác sỹ Y học dự phòng cũng không được được cấp chứng chỉ bác sĩ gia đình, khi mà chức năng nhiệm vụ của Bác sĩ gia đình gần giống với Bác sĩ Y học dự phòng về khám – chữa các bệnh thông thường và các bệnh cộng đồng, khám chữa bệnh ban đầu? Chưa có một chỉ dẫn cụ thể về cấp “Chứng chỉ hành nghề”. 

Trung tâm y tế dự phòng ưu tiên đa khoa, chuyên tu, y sĩ hơn Bác sĩ Y học dự phòng là chuyện quá bình thường. Nhưng ngoài ra, còn phải nói về chỉ tiêu: 1 năm khoảng trên 300 bác sĩ y học dự phòng ra trường, nhưng có mấy người về hưu để vào được suất “biên chế” của nhà nước trong các trung tâm? Đấy là chưa kể, đúng chất con cháu ở các trung tâm y tế “Y sĩ vào dễ hơn bác sĩ dự phòng”. Thiếu thì vẫn thiếu, thừa thì vẫn thừa… Đi làm rồi thì em mới hiểu đầy đủ ý nghĩa câu nói này. 

Và đặc biệt là với ngành Bác sĩ Y Học Dự Phòng. Có lẽ, em may mắn hơn rất nhiều bạn, vì tuy chưa ổn định biên chế, nhưng coi như là có nơi làm việc, nhưng cũng không biết có “cạnh tranh” nổi vào biên chế không? Điều nữa, đó là chuyện kí đơn. Một số bạn lớp em được thử việc tại: Cơ sở điều trị Methadone với tư cách “trợ giúp bác sĩ”. Trong quy định, bác sĩ Methadone cần 2 yêu cầu “1 là bác sĩ, 2 là có giấy chứng nhận đào tạo, tập huấn về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện”. Vậy yêu cầu không nêu rõ là cần bác sĩ đa khoa. Như vậy, liệu ngành chúng em có đủ điều kiện kí đơn cho liều uống thuốc bệnh nhân Methadone hàng ngày khi đủ 18 tháng và có giấy chứng nhận đã qua đào tạo, tập huấn về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện không? Vì theo quy định, bác sĩ y học dự phòng không được kí đơn.

Thực sự, em đang rất hoang mang về ngành mình chọn?  Rồi mỗi năm các em mới ra trường, lại hoang mang như em trong việc lựa chọn nghề nghiệp và hướng đi cho chính mình…” 
-BMX-

Tag:
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
TẠP CHÍ YHDP
QUAN HỆ HỢP TÁC
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
VIDEO CLIP
BACK TO TOP