Vì sao Hà Nội nên lập tức ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người cao tuổi?

 
Việc ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người cao tuổi là hợp lý cả về mặt khoa học sức khoẻ lẫn đạo đức xã hội.
Vào ngày 8 tháng 12 năm 2020 mũi tiêm vác xin Pfizer đầu tiên đã được tiêm vào một cụ bà 90 tuổi, Magaret Keenan và mũi tiêm thứ hai được trao cho một người đàn ông 81 tuổi. Tại Anh, nhân viên chăm sóc sức khoẻ và những người trên 80 tuổi là đối tượng được xếp hàng ưu tiên tiêm những mũi vắc xin AstraZeneca đầu tiên.
Khi Hà Nội bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, người cao tuổi (trên 65 tuổi) bị loại khỏi danh sách ưu tiên. Lý do được giải thích là sự quan ngại về độ an toàn khi tiêm chủng cho những người cao tuổi với sức khoẻ yếu và bệnh nền. Tuy nhiên trên mạng xã hội khi tôi đưa vấn đề cần tiêm chủng cho người cao tuổi thì có những quan điểm khác nhau. Điều này cũng phản ánh nhân sinh quan của thời đại.
Những người trẻ tuổi thì cho rằng người già là đối tượng không làm ra của cải nữa và chỉ ở nhà nên chưa cần tiêm vội, để dành vắc xin cho các công nhân ở khu công nghiệp để khỏi đứt gãy chuỗi sản xuất, giảm GDP của đất nước. Có những quan điểm cực đoan hơn nói rằng người già không còn sống được bao lâu nữa nên không nên tiêm mà để dành cho người trẻ vì họ sẽ còn sống lâu hơn, cống hiến cho xã hội được lâu dài hơn. Những người cao tuổi thì có quan điểm là họ đã cống hiến cả tuổi trẻ, hàng 30 đến 40 năm cho đất nước, bây giờ về già, có bệnh nền thì bị hắt hủi. Nhìn chung đang có xu hướng là người cao tuổi đang bị “phá giá” trong lựa chọn ưu tiên để sống sót vì cuộc sống phía trước được coi là ít giá trị hơn. 
Trên thực tế thì đúng là nhiều người già tuy không còn lao động được nữa nhưng họ vẫn mong được sống lâu hơn với con cháu, kết nối với bạn bè, họ hàng, được đến chùa, đi lễ nhà thờ, chiêm nghiệm cuộc sống. Một người trên 65 tuổi vẫn có thể sống thêm 20, 30 năm nữa thậm chí đến 40 năm nữa, nhiều nông dân, thợ thủ công, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý kinh tế, chủ doanh nghiệp vẫn tiếp tục làm việc và sáng tạo đến tuổi rất già. Mong được sống tiếp là bản năng sinh tồn của muôn kiếp nhân sinh. Rất nhiều cụ trên 90 tuổi vẫn thực hiện nghiêm các quy định 5K, vẫn theo dõi tình hình dịch bệnh, vẫn chống gậy đến địa điểm gây quỹ để đóng góp một phần đồng lương hưu ít ỏi của mình vào quỹ vắc xin. Có cụ bà trên 80 tuổi vẫn đi hàng cây số để đem gạo, rau của mình tiếp tế khu cách ly. Làm người ai chả đến lúc già, làm người ai rồi cũng có cha mẹ ông bà già.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều gia đình có cha mẹ, ông bà già nằm một chỗ, mất ý thức, sống thực vật nhưng con cháu vẫn tận tuỵ chăm sóc, thậm chí bán hết nhà cửa đất đai để chạy chữa mong các cụ sống thêm. Đấy là đạo lý làm người tử tế. Cha mẹ tôi mất lúc các cụ 70 tuổi mà hàng chục năm sau mỗi lần giỗ chạp, anh chị em chúng tôi vẫn xót xa, than thở sao ông trời không để cho họ sống thêm vài ba chục năm nữa để vui cùng con cháu, để được chúng tôi phụng dưỡng. Vì vậy, theo tôi, quan điểm không ưu tiên cho người cao tuổi là không thể chấp nhận được.
 
Về mặt y học và phòng chống dịch, việc không dành ưu tiên cho người cao tuổi tiêm vắc xin lại càng sai và phản khoa học. Những người cao tuổi nói chung thường có những tình trạng sức khoẻ phức tạp, đòi hỏi phải chăm sóc y tế nhiều hơn những người trẻ tuổi. Tỷ lệ nhập viện ở những người lớn tuổi cao hơn và sử dụng các nguồn lực y tế cao gấp nhiều lần những người trẻ tuổi và do đó họ sẽ làm quá tải bệnh viện nhiều hơn. Do sức đề kháng kém hơn nên họ là đối tượng dễ tấn công của vi rút SARS-CoV-2, dễ tiến triển nặng và dễ tử vong hơn.
Theo thống kê chung của thế giới, tỷ lệ tử vong chung Covid-19 là 1-2%, tức là cứ 100 người mắc bệnh thì có 1-2 người chết. Nhưng đối với lứa tuổi từ 65-80 là 1/14, tức là cứ 14 người bị bệnh thì có 1 người chết, còn lứa tuổi trên 80 là 1/3, tức là cứ 3 người bệnh thì một người chết. Tại Australia, gần một nửa số ca bệnh nặng cần chăm sóc đặc biệt và hơn 90% ca tử vong là người cao tuổi. Tình hình tại các nước Đông Nam Á, tại Việt Nam cũng tương tự. Thực tế gần đây đã cho thấy khi dịch Covid-19 bùng phát tại các khu công nghiệp Bắc Giang, nơi có hàng ngàn F0 là người trẻ, khoẻ nhiễm vi rút thì tỷ lệ tử vong hầu như bằng không, trong khi đó dịch bùng phát tại cộng đồng ở TP.HCM, nơi có nhiều người cao tuổi chưa tiêm vắc xin thì số người chết tăng lên nhiều lần.
Khi chúng ta tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng cao tuổi thì chúng ta đã chủ động làm giảm tỷ lệ người lớn tuổi nhập viện và do đó sẽ có nhiều nguồn lực, nhân lực hơn để tập trung vào các mục tiêu cứu chữa khác trong bệnh viện. Nếu chúng ta không ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi thì ngược lại, các trường hợp nhiễm bệnh nặng phải nhập viện càng nhiều, các bệnh viện sẽ quá tải, thiếu ô xy, thiếu máy thở, thiếu nhân lực và ngành y tế sẽ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng trầm trọng như một số nơi. 
 
Khi đã tiêm vắc xin thì dẫu có nhiễm vi rút thì tình trạng bệnh của người cao tuổi sẽ nhẹ hơn và thậm chí tự chữa tại nhà, không cần vào bệnh viện nếu có đủ điều kiện chăm sóc y tế. Thêm vào đó khi người cao tuổi được tiêm đầy đủ vắc xin thì họ tự tin hơn khi đến bệnh viện khám và chữa trị các bệnh nền như tim mạch, ung thư, tiểu đường và cơ hội sống sót của họ cao hơn. Nếu chưa được tiêm vắc xin thì họ có tâm lý lo sợ nhiễm vi rút và không dám đến khám, chữa trị tại bệnh viện và đồng nghĩa họ đã bỏ lỡ cơ hội vàng để chiến thắng tử thần. Tại thành phố Hồ Chí Minh trong đợt dịch này cũng đã có những người cao tuổi, người có bệnh nền bị chết tại nhà do không dám đến sớm nhập viện vì lo sợ nhiễm Covid-19.
Đối với công tác phòng chống dịch, việc tiêm vắc xin cho người cao tuổi cũng có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Khi họ được tiêm chủng thì cộng đồng nơi họ sống sẽ an toàn hơn. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao thì sự lây truyền giảm đi, khả năng miễn dịch cộng đồng tăng lên và mắt xích phòng lây nhiễm yếu nhất là những người cao tuổi được khắc phục. Các thành viên trong gia đình cũng sẽ an tâm, thoải mái khi tiếp xúc, đoàn tụ với cha mẹ, ông bà mà không quá lo sợ lây bệnh cho họ. Những người quản lý cộng đồng, chăm sóc y tế cũng đỡ được gánh nặng lo lắng khi tiếp xúc với họ, cách ly họ.
Về mặt an toàn thì thực tế tiêm chủng trên thế giới đã chứng minh là những vắc xin đã được cấp phép hiện nay rất an toàn với người cao tuổi. Các loại vắc xin như Pfizer, Moderna trước khi được cấp phép sử dụng đã được thử nghiệm trên hàng vạn người cao tuổi tình nguyện, đủ các sắc tộc trên thế giới. Ở Australia, người ta còn ưu tiên vắc xin AstraZeneca cho người cao tuổi vì họ cho rằng tiêm ở người cao tuổi an toàn hơn, ít phản ứng phụ hơn nhiều so với tiêm cho người dưới 65 tuổi.
Để kết luận bài viết này tôi muốn nhấn mạnh rằng việc ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người cao tuổi là hợp lý cả về mặt khoa học sức khoẻ lẫn đạo đức xã hội.
 
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế

Tag: hợp lýmặt khoa học sức khoẻ lẫn đạo đức xã hộingười cao tuổi
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
TẠP CHÍ YHDP
QUAN HỆ HỢP TÁC
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
VIDEO CLIP
BACK TO TOP