HỘI Y HỌC DỰ PHÒNG VIỆT NAM

– Tên Hội: Hội Y học dự phòng Việt Nam (Hội YHDPVN)
– Tên Tiếng Anh: Vietnam Association of Preventive Medicine (VAPM)
– Trụ sở Hội: Số 1, Yersin, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tôn chỉ, Mục đích
Hội Y học dự phòng Việt Nam (YHDPVN) là tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tự nguyện của những người hoạt động hoặc quan tâm tới lĩnh vực YHDP, đoàn kết phấn đấu góp phần vào việc thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia về y tế dự phòng là: “Làm giảm các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng; phát hiện sớm, khống chế kịp thời bệnh dịch, không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tật; góp phần phát triển thể chất, tinh thần, nâng cao tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện chất lượng giống nòi.
Mục đích của Hội YHDPVN là tập hợp đoàn kết các hội viên thông qua trao đổi thông tin, kinh nghiệm, các thành tự khoa học kỹ thuật; nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng về YHDP, góp phần xây dựng và phát triển nền YHDPVN hiện đại; tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học về YHDP góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Nguyên tắc, phạm vi hoạt động và địa vị pháp lý
Hội YHDPVN hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, tự chủ về tài chính, tuân thủ Hiến pháp, Pháp luật và Điều lệ Hội.
Hội YHDPVN hoạt động trên phạm vi cả nước, theo pháp luật của nước Công hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam và theo Điều lệ của Hội. Hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Y tế và các Bộ, Ngành có liên quan về ngành, lĩnh vực mà Hội hoạt động. Hội là thành viên của Tổng hội Y học Việt Nam.
Hội YHDPVN có tư cách pháp nhân, con dấu, biểu tượng và tài khoản riêng.
(Trích Điều lệ Hội YHDPVN
Nhiệm kỳ VIII, 2012-2017)

1.Mở đầu

Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp dành thắng lợi vẻ vang, trong bộn bề những công việc phải làm để khôi phục lại đất nước, Nhà nước non trẻ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn chú ý tới việc phát triển các hiệp hội xã hội và nghề nghiệp. Ngày 15 tháng 4 năm 1955 Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 138-NV/DC/NĐ cho phép thành lập Hội Y học Việt Nam, sau đó vào tháng 10/1960 đổi tên thành Tổng hội Y học Việt nam. Tiếp ngay sau đó, ngày 6 tháng 3 năm 1961 Bộ Nội vụ đã ký quyết định cho phép Tổng hội YHVN thành lập 4 hội chuyên ngành là Hội Nội khoa, Hội Nhãn khoa, Hội Chống lao và Hội Vệ sinh phòng dịch Việt Nam, tiền thân của Hội Y học dự phòng Việt Nam ngày nay.
Hội Vệ sinh phòng dịch Việt Nam trước đây và Hội Y học dự phòng Việt Nam hiện nay luôn nêu cao và trung thành với những tôn chỉ mục đích rất cơ bản của nền Y học Dự phòng trong công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, đó là “ Tập hợp, đoàn kết các hội viên của Hội, thông qua các hoạt động nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng về y học dự phòng, góp phần xây dựng và phát triển nền Y học Dự phòng Việt Nam hiện đại; làm giảm các yếu tố nguy cơ của sức khỏe cộng đồng; phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tật; góp phần phát triển thể chất, tinh thần, nâng cao tuổi thọ, chất lượng sống và cải thiện chất lượng giống nòi; tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học về y học dự phòng, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe của cộng đồng”.
Hiện nay Hội YHDP Việt Nam (Nhiệm kỳ VIII, 2012-2017) có cơ cấu tổ chức trung ương gồm Ban Thường vụ Hội với 17 ủy viên, ba (3) ban trực thuộc (Ban Kiểm tra, Ban Tư vấn-Phản biện xã hội, Ban Khoa học Kỹ thuật), cùng một số bộ phận nghiệp vụ trực thuộc (Thi đua, Tài chính); Văn phòng Hội và Trung tâm Phát triển Sức khỏe cộng đồng (CCHD).
Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ – Trụ sở thường xuyên của Hội YHDPVN
Hội có khoảng 1050 hội viên được cấp thẻ hội viên và sinh hoạt thường xuyên trong 90 chi hội, cùng với hàng nghìn hội viên khác là cán bộ, nhân viên hoạt động ở các đơn vị thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng trên toàn quốc. Hội viên danh dự của Hội với trên 20 thành viên là những cán bộ có nhiều thành tích trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và cống hiến nhiều cho sự nghiệp YHDP nước nhà. Hội cũng công nhận 17 đơn vị trong nước là Hội viên tổ chức, có mối liên kết chặt chẽ với các mặt hoạt động của Hội YHDP.
Trụ sở Hội YHDPVN đặt tại số 1. Yersin, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Điện thoại VP Hội 04. 38212568.
E-mail: hoiyhocduphongvn@gmail.com.
Website: http://www.yhocduphong.com.

2. Các Đại hội nhiệm kỳ và lãnh đạo Hội
Trong hơn 50 năm qua, Hội YHDPVN đã trải qua 8 nhiệm kỳ đại hội với ban lãnh đạo và ban Chấp hành Hội có số lượng ngày càng lớn mạnh hơn.

GS. Đặng Văn Ngữ

Đại hội Nhiệm kỳ lần thứ I cũng là Đại hội thành lập Hội VSPD Việt Nam tổ chức vào ngày 19 tháng 1 năm 1961 tại Hà Nội. GS. Đặng Văn Ngữ, nguyên Viện trưởng Viện Sốt rét – Côn trùng – Ký sinh trùng trung ương được bầu là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội VSPD, tiền thân của Hội YHDP Việt Nam.

 
 


 

Đại hội Nhiệm kỳ lần II, từ năm 1973 tới 1984: Chủ tịch Hội là BS. Nguyễn Bát Can, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vệ sinh phòng dịch, Bộ Y tế, và sau đó là BS. Hoàng Tích Mịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ (VSDT) trung ương.

BS. Nguyễn Bát Can

BS. Hoàng Tích Mịnh

 

 


 

GS. Hoàng Thủy Nguyên

Đại hội Nhiệm kỳ lần III: Từ năm 1984 tới năm 1992. Chủ tịch Hội là GS. Hoàng Thủy Nguyên, nguyên Viện trưởng Viện VSDT trung ương. Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Thư ký là GS. Đỗ Dương Thái. Ban Chấp hành Hội có 17 ủy viên.
 


 

Đại hội Nhiệm kỳ lần thứ IV: Từ năm 1992 tới năm 1997. Chủ tịch Hội là GS. Đặng Đức Trạch, nguyên Phó Viện trưởng Viện VSDT trung ương. Phó Chủ tịch thường trực Hội là GS. Hoàng Thủy Long. Tổng thư ký Hội là PGS. Lê Ngọc Bảo. Ban chấp hành Hội có 30 ủy viên.

Đại hội Nhiệm kỳ lần thứ V: Từ năm 1997 tới năm 2002. Chủ tịch Hội tái đắc cử là GS. Đặng Đức Trạch. Phó Chủ tịch thường trực Hội là GS Hoàng Thủy Long, phụ trách các chi hội thuộc khu vực miền Bắc. Tổng Thư ký Hội là PGS. Lê Ngọc Bảo. Ban chấp hành Hội có 32 ủy viên.
GS. Đặng Đức Trạch

 


 

GS. Hạ Bá Khiêm
Đại hội Nhiệm kỳ lần thứ VI: Từ năm 2002 tới năm 2007. Chủ tịch Hội là GS. Hạ Bá Khiêm, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội là GS. Lê Ngọc Bảo. Ban chấp hành Hội có 37 ủy viên.
 


 

Đại hội Nhiệm kỳ lần thứ VII: Từ năm 2007 tới năm 2012. Chủ tịch Hội là GS. Nguyễn Trần Hiển, nguyên Viện trưởng Viện VSDT trung ương. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội là GS. Đặng Đức Anh. Ban chấp hành Hội có 45 ủy viên.

Đại hội Nhiệm kỳ lần thứ VIII: Từ năm 2012 tới năm 2017. Chủ tịch Hội tái đắc cử là GS. Nguyễn Trần Hiển. Phó Chủ tịch thường trực là GS. Phạm Ngọc Đính. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội là GS. Đặng Đức Anh. Ban chấp hành Hội có 54 ủy viên.
GS. Nguyễn Trần Hiển

 


 

Vai trò Chánh Văn phòng Hội YHDPVN kể từ Nhiệm kỳ IV năm 1992 tới ngày nay là các vị: GS. Lê Ngọc Bảo, GS. Trương Uyên Ninh, BS. Đỗ Gia Cảnh, ThS. Bùi Đức Thắng, PGS. Nguyễn Anh Dũng.
3. Các kỳ Hội nghị Khoa học Kỹ thuật của Hội

Một trong những thành công nổi trội nhất của Hội YHDPVN là việc tổ chức thường xuyên và hiệu quả các kỳ hội nghị khoa học kỹ thuật (KHKT) một cách đều đặn, có sức thu hút rộng rãi và có nội dung toàn diện với chất lượng cao. Các hội nghị thường niên đều có tên chung là “Hội nghị khoa học Y học dự phòng” đi cùng với tiêu chí cập nhật nổi lên của kỳ hội nghị năm đó.
Hội nghị KHKT của Hội có phạm vi toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1992 tại Thủ đô Hà Nội. Những kỳ hội nghị KHKT tiếp theo được tổ chức định kỳ 2-3 năm một lần vào các năm 1994 tại TP. Hồ Chí Minh, năm 1996 tại TP. Huế, năm 1998 và năm 2000 tại TP. Hà Nội, năm 2002 tại TP. Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, năm 2005 tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2007 tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh, năm 2009 tại TX.Phan Thiết tỉnh Bình thuận, năm 2011 tại TP. Đà Nẵng, năm 2013 tại TP Đồng Hới tỉnh Quảng Binh và gần đây nhất, năm 2015 tổ chức tại Viện VSDTTƯ trung ương, Hà Nội.

Hội nghị KHKT Y học dự phòng tại Hà Nội năm 2000

Hội nghị KHKT thường niên của Hội đã thực sự là “sân chơi khoa học” bổ ích, hấp dẫn, và bình đẳng đối với tất cả các hội viên và những người quan tâm tới khoa học YHDP trên cả nước. Số người tham dự trung bình tại mỗi hội nghị KHKT của Hội từ 350 tới 450 đại biểu, đại diện cho các cơ quan, viện nghiên cứu YHDP tuyến trung ương, các trung tâm YHDP tuyến tỉnh, các khoa Y tế công cộng/YHDP/VSDT của các trường Đại học Y Dược trên toàn quốc, các đơn vị nghiên cứu và sản xuất vắc xin và sinh phẩm dự phòng, các liên ngành Y – sinh học và một số ngành khoa học ứng dụng khác. Nhiều nhà khoa học thuộc các Bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa cũng đã tìm ra tiếng nói chung của lĩnh vực mình trong các hội nghị KHKT về YHDP.
Hội nghị KHKT Y học dự phòng toàn quốc năm 2009

Bên cạnh các nội dung phong phú về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, hầu hết các hội nghị KHKT của Hội đã đề cập tới khía cạnh tổ chức và cơ chế hoạt động của hệ thống y tế dự phòng (YTDP) các tuyến, nhất là của tuyến tỉnh và tuyến huyện. Nhiều báo cáo, nhiều nội dung trao đổi của các Hội nghị cũng như các ý kiến đóng góp, đề xuất của Ban Tư vấn-Phản biện xã hội thuộc Hội đã được Bộ Y tế (Cục y tế dự phòng, Cục Phòng chống HIV/ AIDS, Cục Vệ sinh Môi trường, Cục An toàn thực phẩm…) sử dụng làm căn cứ đề xuất về chính sách, chế độ và tổ chức hệ thống YTDP.
Họp mặt hội viên danh dự năm 2015
4. Xuất bản tạp chí Y học dự phòng

Tạp chí Y học dự phòng là cơ quan ngôn luận về khoa học của Hội YHDPVN. Tiền thân của nó là Nội san Vệ sinh phòng dịch (1961- 1990) và sau đó là Tạp chí Vệ sinh phòng dịch (1991-1997). Từ tháng 6 năm 1997 đến ngày nay Tạp chí Vệ sinh phòng dịch chính thức đổi thành Tạp chí Y học dự phòng. Các Tổng biên tập của tạp chí Vệ sinh phòng dịch và Y học dự phòng qua các thời kỳ là GS. Hoàng Thủy Nguyên (1991-1993), GS. Đặng Đức Trạch (1994-2004), GS. Đặng Đức Anh (2005- hiện nay), cùng với các Phó Tổng biên tập là GS. Lê Ngọc Bảo (1993-2012), GS. Phạm Ngọc Đính (2012-hiện nay), PGS. Nguyễn Anh Tuấn (2014-hiện nay). Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học của tạp chí là GS. Hoàng Thủy Long (2012-2014, trước 2012 không có vị trí này) và GS. Nguyễn Trần Hiển (từ 2014 đến hiện nay).

Từ một nội san phát hành không định kỳ, Tạp chí YHDP đã trưởng thành từng bước, cho tới nay thành một tạp chí khoa học có uy tín hàng đầu của lĩnh vực Y học dự phòng cũng như của toàn ngành Y tế, có tầm ảnh hưởng trên toàn quốc. Từ năm 1997 tới nay tạp chí YHDP (ISSN : 0868-2836) xuất bản định kỳ 2 tháng 1 số (một năm có 6 số thường xuyên cộng với 2 số phụ bản là 8 số). Ngoài ra có thể thêm các số Đặc biệt dành cho những ngày truyền thống hoặc hội nghị KHKT của Hội YHDP hay của các đơn vị trong hệ thống Y tế dự phòng. Những bài báo từ nghiên cứu gốc (original research article) của Tạp chí đều được gửi tới 2 phản biện độc lập và được Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước công nhận chất lượng bài đăng và được tính điểm cao nhất (tối đa 1 điểm) trong số không nhiều các tạp chí khoa học chuyên ngành ở nước ta.

Hội nghị Ban Biên tập tạp chí YHDP, 2014

 

Bìa Tạp chí YHDP, bản tiếng Việt

 

 

Bìa Tạp chí YHDP, bản tiếng Anh

 

Do nhu cầu của bạn đọc và các nhà nghiên cứu, từ tháng 10/2014 Tạp chí ra đời phiên bản tiếng Anh – Vietnam Journal of Preventive Medicine (ISSN 0868-2836), đăng tải các bài nghiên cứu gốc viết bằng ngôn ngữ tiếng Anh, với chu kỳ xuất bản 6 tháng 1 số (mỗi năm 2 số thường xuyên), có thể thêm các số đặc biệt. Các bài đăng trong Tạp chí tiếng Anh cũng được Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước xác định mức tối đa 1 điểm cho bài báo đăng công trình nghiên cứu gốc, tiếng Anh.
Các địa chỉ liên lạc của Tòa soạn tạp chí: Số 1.Yersin, Hà Nội.
Điện thoại 043.8212563; Fax 043.8219504;
E-mail: tapchiyhdp@gmail.com và vietnamjpm@gmail.com;
Website: http:\\www.tapchiyhocduphong.vn và http:\\www.vjpm.vn.

5. Những thành tựu khác

Trong hơn 50 năm hoạt động, Hội YHDPVN đã có được một số thành tựu đáng ghi nhận khác, thể hiện qua những nội dung kết quả cụ thể sau đây.
Tập hợp, động viên và giúp đỡ hội viên hoạt động trong các đơn vị YTDP toàn quốc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực YHDP nhằm chăm sóc, bảo vệ và tăng cường sức khỏe của nhân dân có hiệu quả cao hơn. Hợp tác, trao đồi kinh nghiệm với những chuyên ngành y, dược học và các tổ chức khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Lớp tập huấn nâng cao kỹ năng tiêm chủng tại trung tâm YTDP Phú Thọ, năm 2014

Thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện xã hội về tổ chức hệ thống YTDP, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ quyền lợi của hội viên. Hội có mạng lưới ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước, có thể thực hiện chức năng tư vấn này ở mọi cấp, từ tuyến trung ương đến cơ sở. Nội dung tư vấn, phản biện của Hội gắn liền với những vấn đề cấp bách, thiết yếu về phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân ở từng giai đoạn. Bảo vệ quyên, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ hội.

Hội thảo tư vấn chính sách kết hợp công – tư trong tiêm chủng, năm 2015

Động viên cán bộ nhân viên trong hệ YTDP khống chế dịch bệnh, góp phần làm thay đổi mô hình bệnh tật nâng cao tuổi thọ và chất lượng sống của người dân mặc dù Việt Nam vẫn còn đang trong điều kiện của một nước kinh tế còn thấp và gặp nhiều khó khăn.
Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học YHDP, lập các dự án nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chính sách pháp luật cho hội viên. Đặc biệt, Hội đã có những thành tựu đáng ghi nhận trong phòng chống dịch bệnh và nghiên cứu khoa học qua các nội dung sau:

– Phòng chống các dịch bệnh nổi lên tại Việt Nam: SARS, cúm A/H5N1, A/H1N1, bệnh Ebola, dịch tả, tay chân miệng, sốt xuất huyết, dại..;
– Phát huy tính xã hội hóa cao công tác tiêm chủng mở rộng nhằm huy động nguồn lực, sự hưởng ứng và tham gia của toàn thể cộng đồng;
– Phòng chống các bệnh không lây: Tăng huyết áp, ung thư, đái tháo đường, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích…;

Làm việc tại Văn phòng Hội YHDPVN, 2014
– Phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, đưa các dự án phòng chống HIV/AIDS mới vào nhằm giảm tử lệ tử vong do HIV;
– Khuyến cáo về tác hại thuốc lá;
– Khuyến cáo nuôi con bằng sữa mẹ;
– Khuyến cáo về việc đẩy mạnh xử lý rác thải bệnh viện nhằm hạn chế lây – nhiễm chéo trong bệnh viện và lây nhiễm sang cộng đồng;
– Tham gia cùng vói các Vụ/Cục Bộ Y tế xây dựng các hướng dẫn quốc gia về xét nghiệm, giám sát dịch tễ, can thiệp phòng chống dịch, bảo vệ môi trường sức khỏe…

Tham gia hợp tác Quốc tế: Hội YHDPVN là thành viên của Liên đoàn các Hiệp hội Y tế Công cộng thế giới (WFPHA)

6. Thi đua khen thưởng

Về tập thể
Hội YHDPVN được Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2002; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2012.
Hàng chục đơn vị có chi hội YHDP hoạt động đã được vinh danh và phong tặng các phần thưởng cao quí của Nhà nước và Chính phủ Việt nam.

Về cá nhân
Nhiều cá nhân là lãnh đạo, hội viên của Hội YHDPVN đã được vinh danh và được nhận phần thưởng cao quí của Nhà nước Việt nam. Tiêu biểu nhất có:
GS. Đặng Văn Ngữ, Liệt sĩ, Anh hùng lao động, Giải thưởng Hồ chí Minh.
GS.Hoàng Thủy Nguyên, Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhì.
GS.Đặng Đức Trạch, Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Giải thưởng Nhà nước, Huân chương Độc lập hạng Nhì.
BS.Hoàng Tích Mịnh, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Nhì.
GS.Hoàng Thủy Long, Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất.
GS.Từ Giấy, Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ, Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Cùng với các nhà khoa học, nhà hoạt động YHDP khác có uy tín cao là hội viên của Hội YHDPVN qua nhiều thời kỳ. Và còn nhiều vị hội viên khác nữa mà những cống hiến và chiến công của họ trên lĩnh vực dự phòng bệnh tật, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam sẽ còn được ghi danh lâu dài trong trang sử của Tổng hội YHVN của Hội YHDPVN và ngành Y tế nước nhà.
Hội YHDP Việt Nam

TẠP CHÍ YHDP
QUAN HỆ HỢP TÁC
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
VIDEO CLIP
BACK TO TOP