Bệnh cúm ở người bị bệnh tim và đột quỵ

1. Tổng quan chung về bệnh cúm ở những người bị bệnh tim và những người đã từng bị đột quỵ

Với mùa cúm 2018 – 2019 tại Hoa Kỳ, trong số các trường hợp người trưởng thành nhập viện có liên quan tới cúm thì bệnh lý tim mạch là một trong những bệnh lý nền mạn tính hay gặp nhất ở các bệnh nhân, có tới gần một nửa (47,2%) số bệnh nhân trưởng thành nằm viện vì cúm có bệnh lý nền là bệnh về tim mạch. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy bệnh cúm có mối liên quan với sự gia tăng khả năng xuất hiện nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Một nghiên cứu vào năm 2018 chỉ ra nguy cơ xảy ra nhồi máu cơ tim cao hơn gấp 6 lần so với bình thường trong vòng 1 tuần kể từ khi tình trạng nhiễm cúm được xác nhận. Kết quả của nghiên cứu này là điều rất đáng chú ý đối với những người trưởng thành cao tuổi và những người đang trải qua cơn nhồi máu cơ tim lần đầu tiên.

Các bệnh lý về tim mạch được nhắc đến bao gồm suy tim, bệnh tim do tăng huyết áp, bệnh tim – phổi, các bệnh van tim, rối loạn nhịp tim (bao gồm rung nhĩ), bệnh tim bẩm sinh, và các tình trạng bệnh lý khác.

2. Các dấu hiệu biểu hiện khi mắc cúm

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cúm bao gồm:

– Sốt
– Ho
– Đau họng
– Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi
– Đau đầu
– Đau thân mình
– Rét run
– Rất mệt mỏi

Một số trường hợp bệnh nhân mắc cúm có thể xuất hiện nôn mửa và tiêu chảy. Đôi khi có những trường hợp nhiễm cúm xuất hiện các triệu chứng của đường hô hấp nhưng không có dấu hiệu sốt.

Bên cạnh các dấu hiệu và triệu chứng đã liệt kê ở trên, bệnh cúm có thể có các biểu hiện khác, do đó hãy đi thăm khám càng sớm càng tốt nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào nặng hoặc gây lo lắng.

Bất kỳ ai nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào của bệnh cúm, bao gồm cả những người có bệnh lý tim mạch và những người đã từng đột quỵ, đều cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức.

Chóng mặt có thể là một trong những dấu hiệu của bệnh cúm 

3. Phương pháp điều trị đối với bệnh cúm

Hiện nay đã có thể điều trị bệnh cúm bằng các thuốc kháng virus. Các thuốc này cũng giúp phòng ngừa những biến chứng nặng xảy ra. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) của Hoa Kỳ khuyến cáo cần điều trị kịp thời cho những người bị mắc cúm hoặc nghi mắc cúm, và những người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao xảy ra các biến chứng của cúm như những người có bệnh lý tim mạch hay những người đã từng bị đột quỵ. 

3.1 Tổng quan chung về điều trị cúm bằng thuốc kháng virus

Việc điều trị cần tiến hành càng sớm càng tốt, bởi thuốc kháng virus mang lại hiệu quả tốt nhất khi được sử dụng sớm (trong vòng 48 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên).

Thuốc kháng virus có thể giúp cho bệnh cúm nhẹ hơn và khiến cơ thể hồi phục nhanh hơn, đồng thời giúp ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng của bệnh cúm xảy ra.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo đối với mùa cúm năm nay có thể điều trị bằng cách sử dụng 4 loại thuốc kháng virus đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (Food and Drug Administration – FDA) Hoa Kỳ phê chuẩn. Thuốc kháng virus là những thuốc cần phải kê đơn, và thuốc chống lại virus bằng cơ chế ngăn không cho virus tiếp tục nhân lên trong cơ thể.

3.2. Bốn loại thuốc kháng virus được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng với mùa cúm năm nay

Bốn loại thuốc kháng virus được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng với mùa cúm năm nay đều đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê chuẩn, bao gồm:

– Oseltamivir phosphate, tên thương mại là Tamiflu®, hoặc có thể sử dụng các sản phẩm thuốc tương tự (thuốc generic).
– Zanamivir, tên thương mại là Relenza®.
– Peramivir, tên thương mại là Rapivab®.
– Baloxavir marboxil, tên thương mại là Xofluza®.

4. Phòng ngừa bệnh cúm đối với những người bị bệnh tim và những người đã từng bị đột quỵ

Nên tiêm vắc-xin cúm nhằm ngăn ngừa bệnh cúm 

Những người mắc bệnh lý tim mạch và những người từng bị đột quỵ phải đối mặt với nguy cơ cao hơn xuất hiện các biến chứng của bệnh cúm, do đó họ cần được sử dụng vắc – xin phòng cúm, bởi sử dụng vắc – xin phòng cúm là cách tốt nhất để phòng tránh căn bệnh này. Sử dụng vắc – xin phòng cúm có mối liên hệ với việc làm giảm nguy cơ xuất hiện một số biến cố tim mạch ở những người có bệnh lý tim mạch, đặc biệt là với những người đã từng trải qua biến cố tim mạch trong vòng một năm trở về trước.

Virus cúm thay đổi liên tục, thêm vào đó là đáp ứng miễn dịch suy giảm dần theo thời gian, vì vậy vắc – xin phòng cúm cần được sử dụng hàng năm để đảm bảo mang lại đáp ứng miễn dịch ở mức tốt nhất. Vắc – xin được chế tạo cho mỗi mùa cúm dựa trên kết quả của các nghiên cứu về loại virus cúm nào sẽ thường gặp nhất trong mùa cúm đó. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên được sử dụng vắc – xin phòng cúm hàng năm.

Các loại vắc – xin phòng cúm dành cho người có bệnh lý tim mạch:

– Vắc – xin phòng cúm đường tiêm đã được phê chuẩn để sử dụng cho những người có bệnh lý tim mạch cũng như có các bệnh lý khác. Vắc – xin phòng cúm đường tiêm đã chứng minh được sự an toàn qua một quá trình sử dụng lâu dài trên những người mắc bệnh lý tim mạch.

– Vắc – xin phòng cúm hiện có một số dạng sử dụng, nhưng những người có bệnh lý nền mạn tính (chẳng hạn như bệnh tim mạch) không nên sử dụng loại vắc – xin sống giảm độc lực phòng cúm (live attenuated influenza vaccine – LAIV). Vắc – xin bất hoạt phòng cúm hoặc vắc – xin tái tổ hợp phòng cúm đều có thể được lựa chọn để sử dụng (tuy nhiên lựa chọn loại nào sẽ được bác sĩ chỉ định phù hợp với độ tuổi người sử dụng).

– Vắc – xin phòng cúm rất nên được sử dụng, bởi không những nó giúp làm giảm nguy cơ mắc cúm, giảm mức độ nặng nếu mắc bệnh (tránh cho bệnh nhân không phải nhập viện hoặc phải nằm điều trị tích cực), mà vắc – xin phòng cúm còn giúp làm giảm nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch ở những bệnh nhân có sẵn bệnh lý nền tim mạch.
Nguồn: vinmec.com

Tag: bệnh cúmbiến chứng nghiêm trọngđó bệnh cúmđột quỵ đối mặtlưu ý đốingười đã từngnguy cơ cao hơn xuất hiệnnhóm người nàyvấn đề
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
TẠP CHÍ YHDP
QUAN HỆ HỢP TÁC
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
VIDEO CLIP
BACK TO TOP