Thời báo New York Times – Hoa Kỳ vinh danh cố Giáo sư Đặng Đức Trạch, nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong phòng chống dịch tả trên toàn cầu


Thời báo New York Times của Hoa Kỳ số ra ngày 6 tháng 2 năm 2017 đã đăng bài của nhà báo Donald G McNeil Jr viết về lịch sử cuộc chiến chống lại dịch tả và vinh danh cố Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Đặng Đức Trạch, nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong việc phát triển vắc xin phòng chống dịch tả cho nhân loại. 

Đại dịch tả bắt nguồn từ đầm lầy khu vực sông Hằng, Ấn Độ cách đây trên 200 năm. Đại dịch tả đã quay vòng bảy chu kỳ trên khắp thế giới, làm chết hàng chục triệu người và vẫn đang tiếp tục bùng phát ở một số nước đang phát triển. McNeil đã nhấn mạnh vai trò của vắc xin phòng bệnh trong lịch sử hàng trăm năm chống lại dịch tả, trong đó có việc chế tạo và lưu trữ vắc xin để sẵn sàng cung ứng cho những vùng có nguy cơ bùng phát dịch trên thế giới.

Đặc biệt, tác giả đã nêu bật vai trò và đóng góp của vắc xin tả uống không sử dụng đệm, loại vắc xin được nghiên cứu và phát triển bởi nhà Vi trùng học hàng đầu của Việt Nam – cố GS Đặng Đức Trạch vào cuối thế kỷ XX. Vắc xin này đã được cải tiến, sản xuất và lưu hành trên toàn thế giới để chống lại dịch tả.

Đầu những năm 1980, nhà khoa học Thụy Điển – Tiến sĩ Jan Holmgren là người đầu tiên phát minh ra vắc xin tả uống. Tuy nhiên, việc chế tạo ra loại vắc xin này tốn kém, trong khi người sử dụng phải uống một cốc lớn dung dịch đệm để bảo vệ hoạt tính của vắc xin khỏi các loại axit trong dạ dày. Năm 1986, Giáo sư Đặng Đức Trạch đã yêu cầu được cung cấp công thức chế tạo vắc xin tả uống và tin tưởng rằng mình có thể chế tạo ra loại vắc xin mới không dùng đệm. TS Holmgren và TS John D. Clemens – chuyên gia vắc xin nổi tiếng của Mỹ khi ấy chưa hoàn toàn ủng hộ ý tưởng này vì họ cho rằng đây chỉ là một loại vắc xin có thành phần là các tế bào vi khuẩn chết ứng dụng công nghệ cổ điển theo phương pháp phát triển vac xin của Louis Pasteur . 

Tuy nhiên, bảy năm sau đó, GS Đặng Đức Trạch đã thông báo với thế giới ông đã chế tạo thành công loại vắc xin tả uống không dùng đệm. Vắc xin được thử nghiệm lâm sàng trên 70.0000 người ở thành phố Huế của Việt Nam và cho thấy hiệu quả bảo vệ đạt tới 66%. Mặc dù hiệu quả bảo vệ không cao như loại vắc xin của TS. Holmgren, nhưng giá thành mỗi liều lại rẻ hơn 60 lần (25 cent/liều: NYT). Do vậy, vắc xin này mới có thể  được sử dụng rộng rãi để tiêm chủng đại trà, ngăn chặn sự bùng phát dịch ở những vùng có nguy cơ, đặc biệt ở những nước nghèo.

GS Đặng Đức Trạch, TS Holmgren và TS Clemens trong bức ảnh chụp tại hội nghị khoa học chuyên đề ở Thụy sĩ (Ảnh: New York Times)

Năm 1997, Việt Nam đã trở thành nước đầu tiên và là nước duy nhất cho tới nay cung cấp vắc xin tả để tiêm chủng cho người dân trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Do vậy, số ca mắc tả trên toàn quốc đã giảm một cách mạnh mẽ, đặc biệt là ở những khu vực có lưu hành dịch cao như Thừa Thiên Huế.
Năm 1999, TS Clemens đã nhận được tài trợ 40 triệu đô la từ Quỹ Bill & Melinda Gates để phát triển vắc xin tả. Ông đã thay đổi một chút công thức vắc xin tả uống không dùng đệm của GS Đặng Đức Trạch và thử nghiệm lâm sàng thành công ở Calcutta, Ấn Độ. Vắc xin được chuyển giao công nghệ cho công ty Shantha Biotechnics, Ấn Độ và sau đó đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Năm 2009, vắc xin này được đưa ra thị trường với tên thương mại là Shanchol và có giá dưới 2 đô la Mỹ/liều. Năm 2011, vắc xin đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới sau khi nhận được sự phê chuẩn của các cơ quan chức năng. Năm 2013, vắc xin đã có mặt trong kho dự trữ khẩn cấp và tăng lên 6 triệu liều sau khi nhận được sự tài trợ từ Liên minh vắc xin và tiêm chủng toàn cầu GAVI (115 triệu đô la Mỹ). Hiện nay, vắc xin tả uống không dùng đệm đang được sử dụng ở Haiti, và tại các vùng dịch tả ở Iraq, Iran, Sudan và một số nơi khác. Những phiên bản khác cũng được nghiên cứu và sản xuất ở một số quốc gia như Euvichol của Hàn Quốc hay Vaxchol của Bangladesh.
Cuối bài, tác giả viết: “Cuối cùng, thế giới cũng đã có một loại vắc xin tả uống, nếu được sử dụng đều đặn có thể sẽ loại bỏ được một trong những hiểm họa lớn của lịch sử”. Thành công   của thế giới trong việc phát triển, sản xuất và lưu hành rộng rãi vắc xin tả uống không dùng đệm trong cuộc chiến chống dịch tả trước tiên phải kể đến công lao rất lớn của cố GS Đặng Đức Trạch – nhà khoa học lỗi lạc, nhà vi khuẩn học và vắc xin hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ XX. 
Chi tiết bài viết của Donald G McNeil Jr trên New York Times xin xem tại:
Tóm tắt tiểu sử
  
 
GS.TSKH Đặng Đức Trạch
Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
Giải thưởng VIFOTEC hạng ba năm 1998; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2000; Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2016. 
TS. Trần Quang Huy
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương



Tag: 6 tháng 2 năm 2017 đã đăng bàihoa kỳ số ralịch sử cuộc chiến chống lại dịch tảmcneil jr viếtnhà báo donaldnhà khoa học hàng đầunhân loạiviệc phát triển vắc xin phòng chống dịch tảviệt namvinh danh cố giáo sư-tiến sĩ khoa học đặng đức trạch
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
TẠP CHÍ YHDP
QUAN HỆ HỢP TÁC
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
VIDEO CLIP
BACK TO TOP