Vì sao Việt Nam cần xây dựng bản đồ Covid-19?

“Bình thường mới, nguy cơ, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao” là 4 mức đánh giá tình hình dịch mà Bộ Y tế vừa ban hành trong “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19”.

Việc Bộ Y tế cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá giúp từng địa phương có thể chủ động xác định nguy cơ và đưa ra biện pháp đối phó phù hợp.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng các sự kiện y tế công cộng, là một trong những thành viên soạn thảo quy định này, cho hay thông qua các dữ liệu được cập nhật từ cấp xã trở lên, lần đầu tiên, Việt Nam đã có bản đồ Covid-19 hiển thị đầy đủ 4 mức nguy cơ này.

“Không lơ là nhưng cũng không làm quá”

Xin ông cho biết Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp đáp ứng tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19 được soạn thảo trong bối cảnh như thế nào?

– Đây là hướng dẫn do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo Bộ Y tế (đầu mối là Cục Y tế dự phòng, Văn phòng Bộ Y tế), các bộ, ngành liên quan cùng nhiều chuyên gia y tế, công nghệ thông tin…, soạn thảo.

Trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, chúng ta cần có đánh giá nguy cơ theo từng cấp độ đúng theo tình hình của các địa bàn, xã, huyện hoặc tỉnh. Ở cấp độ nào, địa phương sẽ có biện pháp ứng phó theo cấp độ đó. Việc đánh giá dựa trên cập nhật của từng địa phương.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có một bộ phận chuyên đánh giá an toàn cùng giúp sức để đưa ra đánh giá chính xác hơn và dữ liệu được đưa lên bản đồ Covid-19, cập nhật trên trang nguyco.antoancovid.vn. Trong đó, 4 mức nguy cơ bình thường mới, nguy cơ, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao tương ứng các màu xanh, vàng, cam, đỏ.

Nhìn vào bản đồ đó, chúng ta sẽ biết xã, huyện, tỉnh thuộc màu nào và có các biện pháp tương ứng. Chẳng hạn, địa phương ở mức bình thường mới chỉ cần đeo khẩu trang, thực hiện 5K, còn ở mức nguy cơ phải dừng hoạt động 30 người trở lên.
Phó giáo sư Trần Đắc Phu nhận định chúng ta cần có đánh giá nguy cơ theo từng cấp độ đúng theo tình hình của các địa bàn, xã, huyện hoặc tỉnh. Ảnh: Hoàng Hà. 

Mục tiêu khi xây dựng quy định này là phải rất dễ hiểu để bất kỳ ai nhìn vào từ cấp lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đến chủ tịch xã hoặc người dân đều có thể biết được. Đặc biệt, dựa trên các tiêu chí cụ thể, trong một tỉnh, mỗi huyện, mỗi xã lại có những vùng nguy cơ khác nhau.

– Ý nghĩa của việc đánh giá 4 mức nguy cơ này là gì?

– Quy định này giúp các địa phương sẽ tránh được tình trạng chủ quan, lơ là song cũng không làm quá. Vừa qua, thực tế cho thấy có tỉnh chỉ vài ca mắc Covid-19 đi từ địa phương khác về, biết rõ nguồn lây, nguy cơ lây lan dịch ra các xã khác là không có nhưng lại giãn cách xã hội toàn tỉnh.

Mục tiêu của bản đồ Covid-19 là để chúng ta vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, không ngăn sông cấm chợ khi không cần thiết.

– Việc xây dựng nên 4 mức độ nguy cơ được dựa theo những yếu tố nào?

– Về nguy cơ, nhóm soạn thảo dựa trên chủ yếu tình hình dịch bệnh của địa bàn đó, chẳng hạn có F0 hay không, tập trung hay rải rác, sự đi lại như thế nào hoặc một số yếu tố khác như có khu công nghiệp hay không… Tức là đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở trạng thái “động” chứ không phải “tĩnh” vì tính chất lây lan của dịch luôn di chuyển theo người mang virus.

Hoặc một huyện có số mắc cao nhưng dịch chỉ co cụm, không phải các xã khác đều có mức nguy cơ như nhau. Do đó, các mức ưu tiên đáp ứng phòng dịch sẽ khác nhau.

Về cơ bản, các biện pháp chống dịch được dựa trên quy định của Chỉ thị 19, 15, 16 của Chính phủ trước đây. Bản hướng dẫn này cụ thể hơn, đặc biệt, áp dụng cho từng địa bàn.

Các địa phương có thể thực hiện các giải pháp bổ sung hoặc ở mức cao hơn quy định để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Hoặc họ cũng có thể thực hiện ở phạm vi nhỏ hơn, không chỉ ở quy mô một xã mà là một thôn, không phải cả phường mà chỉ một chung cư…

 

– Trong quá trình soạn thảo quy định, các chuyên gia có gặp khó khăn?

– Việc xác định nguy cơ của từng địa bàn là rất khó khi tình hình dịch luôn biến động, không chỉ phụ thuộc vào số lượng bệnh nhân. Khi dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ kia, tình hình sẽ phức tạp hơn. Chẳng hạn ở TP.HCM, số ca chưa nhiều song lại dàn trải ở nhiều quận, huyện nên mới phức tạp.

Thứ hai, chúng tôi chịu áp lực là phải làm chính xác, đưa ra mức nguy cơ đúng để đảm bảo không ảnh hưởng tới an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, tình hình phân bố của bệnh nhân Covid-19 trong địa bàn cũng ảnh hưởng quá trình xây dựng. Khi số ca nằm gọn một chỗ, chẳng hạn một phường hay chung cư có tới 100 ca thì cũng không đáng lo bằng việc số lượng ít nhưng trải nhiều địa bàn.

– Như vậy, với hướng dẫn tự đánh giá này, các địa phương sẽ tự quyết định kế hoạch chống dịch ở địa phương mình?

– Theo quy định, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Các đơn vị phải tổ chức thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với những mức nguy cơ được nêu ở trên. Riêng trường hợp áp dụng các biện pháp ở mức “Nguy cơ rất cao” trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các địa phương, bộ ngành liên quan phối hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch trên thế giới, trong nước và địa bàn từng tỉnh kịp thời khuyến cáo. Trường hợp nhận thấy cần áp dụng mức “Nguy cơ rất cao” trên địa bàn toàn tỉnh mà tỉnh chưa báo cáo, Bộ Y tế chủ động bàn với tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ chủ động báo cáo, đề xuất phương án áp dụng mức “Nguy cơ cao” hoặc mức “Nguy cơ rất cao” trên phạm vi toàn quốc.

Nhân viên y tế ở TP.HCM có mặt tại khu vực phát hiện người mắc Covid-19. Ảnh: Chí Hùng. 


“Xã hội hóa vaccine không chỉ là tài chính”

– Hiện nay, theo ông, những ổ dịch nào phức tạp và cần được quan tâm?

– Đó là 3 ổ dịch Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM. Mỗi ổ dịch có đặc trưng và sự phức tạp riêng. Bắc Giang, Bắc Ninh là sự lây lan trong khu công nghiệp, công nhân, nhà trọ. Dịch tại đây có thể khống chế nhưng cần thời gian. Ổ dịch TP.HCM lại liên quan nhóm tôn giáo nên lan khắp nơi. 20/22 quận, huyện đều có ca mắc. Thậm chí, các ca liên quan còn lan sang nhiều tỉnh khác, chưa biết sẽ đi đến đâu, bao nhiêu người nên rất phức tạp.

Bên cạnh đó, số ca mắc Covid-19 tại nước ta hiện nay cao, đồng nghĩa số bệnh nhân nặng, tử vong cũng nhiều hơn và không chỉ ở người già. Nếu hệ thống dự phòng vỡ trận, hệ thống điều trị cũng vỡ.

– Chủ trương hiện nay của Việt Nam là tất cả doanh nghiệp đều có thể nhập vaccine. Điều này có thể hiểu như thế nào?

– Cần hiểu xã hội hóa vaccine không chỉ về mặt tài chính mà còn là nguồn cung vaccine. Theo đó, tất cả doanh nghiệp có điều kiện kết nối được với các hãng vaccine đều có thể mua.

Tuy nhiên, vaccine là thuốc đặc biệt, đòi hỏi quá trình vận chuyển, bảo quản nghiêm ngặt, chuẩn kỹ thuật. Không phải kết nối được là doanh nghiệp có thể mang về được, phải qua một số đơn vị được công nhận năng lực (theo cập nhật của Bộ Y tế là 36 công ty) về bảo quản, vận chuyển.

Chúng ta cần đảm bảo loại vaccine nhập về phải an toàn, hiệu quả và phải là loại được phép lưu hành tại Việt Nam, do đơn vị có năng lực (bảo quản, vận chuyển…) nhập khẩu, phân phối.

Xã hội hóa vaccine Covid-19 là việc làm thể hiện “chống dịch như chống giặc” và “toàn dân tham gia chống giặc”. Thời điểm này, xã hội hóa là chủ trương đúng đắn, cần thiết trong bối cảnh chống dịch còn dài. Các doanh nghiệp, đơn vị có thể tham gia kết nối đưa vaccine về Việt Nam hoặc giúp việc nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine của các nước trên thế giới. Các doanh nghiệp không kết nối được có thể hỗ trợ tài chính. Đây đều là những đóng góp quan trọng.

PGS.TS Trần Đắc Phu
Nguồn: https://zingnews.vn/

Tag:
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
TẠP CHÍ YHDP
QUAN HỆ HỢP TÁC
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
VIDEO CLIP
BACK TO TOP