TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư: Tuyệt đối không giấu bệnh khi tiêm vắc-xin Covid-19

(BGĐT) – Để bảo đảm hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin Covid-19 cũng như an toàn tiêm chủng, tránh những sự cố không mong muốn, TS.BS Phạm Quang Thái – Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (T.Ư) đã đưa ra một số khuyến cáo.

Trước sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang trong gần một tháng qua, ưu tiên bảo vệ sức khỏe cho công nhân và lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu, tỉnh đã nhanh chóng triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia với 170.068 liều vắc-xin được tiêm xong trong vòng một tuần, tính đến ngày 7/6. 

Để bảo đảm hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin cũng như bảo đảm an toàn tiêm chủng, tránh những sự cố không mong muốn, TS. BS Phạm Quang Thái đã đưa ra một số khuyến cáo.
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin Covid-19 cho công nhân trên địa bàn xã Nghĩa Trung (Việt Yên) 
Cung cấp thông tin trung thực về tình trạng sức khỏe

Mục đích của tiêm chủng vắc-xin Covid-19 là để bảo vệ người được tiêm không bị mắc căn bệnh nguy hiểm có tính toàn cầu này. 

Trong quá trình triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam, yếu tố an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. 

Để bảo đảm an toàn tiêm chủng cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như vắc-xin an toàn, vận chuyển an toàn, bảo quản an toàn, tiêm chủng an toàn. Ba yếu tố đầu có thể đạt được thông qua một hệ thống tiêm chủng đã có kinh nghiệm hơn 30 năm. Riêng yếu tố thứ tư, tiêm chủng an toàn thì cần phải có chỉ định đúng bởi bất cứ vắc-xin nào cũng cần có những điều kiện để chỉ định tiêm, hoãn tiêm hay chống chỉ định tiêm. 

Để đưa ra chỉ định đúng rất cần sự hợp tác, sự trung thực trong việc cung cấp thông tin đầy đủ về tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử bệnh tật của người được tiêm để bác sĩ khám phân loại, nhận định đúng cho việc chỉ định tiêm. Đây là điều vô cùng quan trọng đối với sức khỏe người được tiêm chủng.

Trong thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp đã có một số người vì quá mong muốn được tiêm chủng đã không cung cấp thông tin đầy đủ, thậm chí giấu giếm tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử bệnh tật của mình chỉ để cố được tiêm chủng. 

Điều này là vô cùng nguy hiểm cho người được tiêm và thực tế đã có một vài sự cố không mong muốn xảy ra trong thời gian qua gây ảnh hưởng lớn đến chiến dịch tiêm chủng vắc-xin. Chính bởi lý do đó, người trong diện tiêm chủng và cán bộ y tế cần thực hiện tốt những việc sau để có được mũi tiêm chủng an toàn và hiệu quả nhất:

Trước khi tiêm: Người đến tiêm chủng cần khai báo trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật của bản thân, đặc biệt là tiền sử dị ứng, tiền sử phản vệ và tiền sử những bệnh lý nền đã, đang mắc (nếu có). 

Cung cấp đầy đủ thông tin về các thuốc đang dùng hoặc mới dùng gần đây. Tuyệt đối không được giấu giếm những thông tin này. 

Cán bộ y tế cần nắm rõ điều kiện để chỉ định tiêm, tạm hoãn tiêm, chống chỉ định tiêm cũng như các trường hợp cần cân nhắc theo dõi thêm tại cơ sở y tế hoặc bệnh viện để tư vấn và giải thích cho đối tượng đến tiêm chủng.

Sau khi tiêm chủng: Người được tiêm cần được theo dõi tại nơi tiêm ít nhất 30 phút, những trường hợp có tiền sử dị ứng có thể cần theo dõi lâu hơn. Khi về nhà, cần tự theo dõi tình trạng sức khoẻ của bản thân, đặc biệt trong khoảng 48 giờ sau tiêm và nên ở cùng người có khả năng thông báo, hỗ trợ. 

Khi thấy có bất kỳ những dấu hiệu bất thường nào (như phát ban, khó thở, đau quặn bụng, nôn, choáng, ngất …) không tự ý dùng thuốc mà cần báo ngay cho nhân viên y tế và người nhà đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Trường hợp bình thường thì vẫn cần tiếp tục theo dõi thêm ít nhất 7 ngày những dấu hiệu của cơ thể.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc – Chi nhánh Minh Đức (Việt Yên).  
Theo dõi sát, xử trí kịp thời những phản ứng sau tiêm

Các phản ứng sau tiêm cần được thu thập 2 chiều. Với những người có nguy cơ cao, cán bộ y tế có thể chủ động kiểm tra (trực tiếp/điện thoại/nhắn tin) những dấu hiệu phản ứng vắc xin sau tiêm để có thể phát hiện sớm và có những hướng dẫn, xử lý kịp thời. Đồng thời cung cấp số điện thoại (tốt nhất là in sẵn trên tờ hướng dẫn người dân sau khi tiêm chủng) để người được tiêm có thể chủ động thông báo về những triệu chứng của bản thân.

Phổ biến về nguyên nhân và cách nhận biết các dấu hiệu của phản vệ. Tăng cường tập huấn về cách xử lý phản vệ cho các cơ sở y tế bao gồm y tế tư nhân để có thể hỗ trợ khi có trường hợp phản ứng sau tiêm đến khám. Không chủ quan đối với bất cứ trường hợp có bất kỳ một dấu hiệu nào của phản vệ như choáng, ngất, sưng nề ngoài da (dị ứng), phù mặt, đau bụng, buồn nôn, nôn… và sẵn sàng phương tiện phòng chống sốc tại cơ sở.

Ngoài ra, những lưu ý hết sức đơn giản nhưng cũng rất cần thực hiện, đó là người đi tiêm cần bảo đảm dinh dưỡng trong ngày tiêm chủng. Ăn vừa đủ no, ngủ đủ giấc trước khi đi tiêm, khi về không được nhịn đói mà phải ăn đủ chất dinh dưỡng và cân đối. Ngủ đủ giấc để miễn dịch đạt hiệu quả cao nhất. Tránh tiêm khi đang trong tình trạng căng thẳng hay sợ hãi vì bất cứ nguyên nhân gì. Có bất cứ thắc mắc gì hoặc có những bất thường về sức khỏe nên hỏi và thông báo ngay cho bác sĩ khám sàng lọc.

Hãy cùng nhau thực hiện 5K + vắc xin để phòng chống dịch Covid-19 và cùng nhau bảo đảm an toàn tiêm chủng.
Nguồn: Báo Bắc Giang

Tag: an toàn tiêm chủngbs phạm quang thái - trưởng văn phòng tiêm chủng mở rộng khu vực miền bắcmong muốnsố khuyến cáosự cốtránhư) đã đưa ravắc-xin covid-19viện vệ sinh dịch tễ trung ương (t
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
TẠP CHÍ YHDP
QUAN HỆ HỢP TÁC
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
VIDEO CLIP
BACK TO TOP