Những lưu ý và cân nhắc khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em

Bộ Y tế đã có quyết định sẽ mở rộng đối tượng tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 – 17 tuổi và hạ dần độ tuổi. Trước thông tin này, các bậc phụ huynh còn rất nhiều băn khoăn và trăn trở về chủng loại vắc xin và sự an toàn cho trẻ.
Mới đây PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Thưa PGS, Mới đây Bộ Y tế đã có quyết định sẽ mở rộng đối tượng tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi. Có thể thấy, trong khi vắc xin dành cho người lớn (trên 18 tuổi) đã được triển khai tiêm toàn cầu, thì vắc xin cho trẻ em vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu. Theo PGS, có phải trẻ em cần loại vắc xin ngừa Covid-19 riêng biệt không?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Trẻ em cần loại vắc xin ngừa Covid-19 được sản xuất với liều lượng phù hợp và đã có nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em các lứa tuổi. Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, cơ thể các em chưa hoàn thiện, hệ miễn dịch đang phát triển nên cần có sự cẩn trọng hơn trong nghiên cứu và triển khai.
So với việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin cho người lớn, việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin dành cho trẻ em sẽ gặp phải những khó khăn gì?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Vắc xin ngừa Covid-19 là loại vắc xin được nghiên cứu và sản xuất trong một thời gian rất ngắn, có lẽ ngắn nhất trong lịch sử chế tạo vắc xin của nhân loại cho đến thời điểm này. Bởi vì trẻ em là đối tượng ít bị ảnh hưởng của đại dịch hơn, tỷ lệ tử vong thấp hơn, mà tác dụng chính của vắc xin Covid-19 là giảm nhẹ bệnh và ngăn ngừa tử vong nên thời gian đầu người ta tập trung cung cấp vắc xin nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách cho người lớn. Khi lượng vắc xin đã đạt tới một mức độ nhất định cho những đối tượng có nguy cơ cao, dễ tử vong hơn thì mới bắt đầu nghiên cứu sản xuất cho trẻ em.
Việc thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em cũng gặp khó khăn hơn khi cần có sự chấp nhận cho cha mẹ các em. Quá trình xem xét chấp thuận cho phép sử dụng của các cơ quan có thẩm quyền cũng kỹ càng hơn, kéo dài hơn do phải cân nhắc các khía cạnh ảnh hưởng dài hạn tới sức khỏe trẻ em, đặc biệt các ảnh hưởng lên hệ gen, di truyền và sinh sản. Vì các thử nghiệm lâm sàng mới bắt đầu từ mùa hè năm 2020 nên vẫn chưa rõ vắc xin có mang lại tác dụng phụ lâu dài hay không. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng vắc xin hiếm khi gây ra ảnh hưởng lâu dài lên sức khỏe.

Hiện nay trên thế giới, đã những loại vắc xin nào được phép dùng cho trẻ em?PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Hiện nay chỉ có vắc xin Pfizer-BioNtech được FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cấp phép sử dụng cho trẻ em từ 12 -15 tuổi và trong các loại vắc xin được Bộ Y tế cho phép nhập về Việt Nam mới chỉ có Pfizer là có hướng dẫn dùng cho trẻ em. Còn trẻ em từ 16-18 tuổi đã được cấp phép sử dụng trước đó như vắc xin của người lớn. Vắc xin Moderna cũng đã được các Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Anh, Australia cấp phép sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi.
Trung Quốc và Cu Ba cũng có các loại vắc xin tiêm cho trẻ em nước họ và các nước khác như Campuchia, các nước Châu Mỹ La tinh nhưng chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt dùng cho trẻ em. Hiện nay các hãng sản xuất vắc xin cũng đã sản xuất loại vắc xin dùng cho trẻ em từ 2 tuổi. Nhiều nước châu Á đã tiêm vắc xin Sinovac của Trung Quốc cho trẻ từ 3-17 tuổi. Cu Ba cũng có vắc xin Soberana tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Hiện tại đã có trên 30 nước tiêm vác xin cho trẻ em.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, trẻ em mắc bệnh COVID-19 ít hơn so với người lớn và hầu hết trẻ bị COVID-19 có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Vậy theo thầy, trẻ em có cần phải tiêm vắc xin phòng Covid-19 không?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: CDC Hoa Kỳ khuyên trẻ em nên được tiêm vắc xin Covid-19 để giúp chống lại bệnh Covid-19. Vắc xin bảo vệ trẻ trước nguy cơ nhiễm bệnh và hạn chế sự lây truyền virus cho người khác, góp phần ngăn chặn đại dịch.
Tổ chức y tế thế giới WHO cho rằng, trong khi thế giới đang thiếu vắc xin nên ưu tiêm cho trẻ em có nguy cơ cao, bị bệnh nền, sức đề kháng kém. Theo tôi, tuy cần có thêm bằng chứng để khẳng định tính an toàn cho sức khỏe trẻ em trong dài hạn nhưng để giảm bớt nguy cơ bị bệnh nặng nên tiêm cho trẻ em các khu vực nguy cơ cao, có các bệnh nền trước. Những trẻ em khác có thể thực hiện các biện pháp phòng bệnh Covid-19 rất hiệu quả như 5K và bao phủ vắc xin cho tất cả người lớn. Chỉ nên tiêm rộng rãi các loại vắc xin có đủ cho tất cả trẻ em và đã được khẳng định tinh an toàn trước mắt và lâu dài.
Trẻ em có thể gặp phải các phản ứng phụ nào sau khi tiêm vắc xin Covid-19?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Trẻ có thể gặp phải các phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin Covid-19 như: đau, mẩn đỏ, sưng tấy tại nơi tiêm và trên các phần còn lại của cơ thể thì có thể có triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớm lạnh, sốt, buồn nôn. Triệu chứng rất hiếm gặp là sốc phản vệ ngay sau khi tiêm, chứng huyết khối và viêm cơ tim. Đặc biệt viêm cơ tim và màng ngoài tim ở trẻ em có xu hướng tăng cao hơn so với ở người lớn đang gây sự quan ngại tại một số nước Bắc Âu.
Hiện tại, nước ta chưa triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, vậy các bậc phụ huynh cần làm gì để bảo vệ con em mình?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Các bậc phụ huynh nên tiêm vắc xin ngừa Covid -19 cho mọi thành viên khác trong gia đình, thực hiện nghiêm các biện pháp 5K, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong phòng chống dịch. Khi các em có các biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc mệt mỏi cần đưa trẻ đi khám bệnh và thông báo kết quả xét nghiệm Covid-19 cho nhà trường để nhà trường có những biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
 
Xin cảm ơn PGS!
PGS.TS Nguyễn Huy Nga – Lotus.vn

Tag: 12-17 tuổi16 - 17 tuổihạ dần độ tuổilộ trìnhlứa tuổilứa tuổi caomở rộng đối tượng tiêm vắc xinnguyên cục trưởng cụctế chia sẻtế dự phòngthấptiêm trướctrẻts nguyễn huy nga
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
TẠP CHÍ YHDP
QUAN HỆ HỢP TÁC
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
VIDEO CLIP
BACK TO TOP