Giải pháp tăng cường hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ sở giáo dục

Giải pháp tăng cường hiệu quả công tác BHLĐ nói chung, công tác an toàn vệ sinh lao động ATVSLĐ nói riêng đã được các nhà khoa học, các nhà giáo, các nhà quản lý nghiên cứu, thử nghiệm và đăng tải trên nhiều kênh thông tin khác nhau. Tuy nhiên đối với ngành giáo dục mang tính đặc thù, yêu cầu quản lý, thực hiện công tác ATVSLĐ đối với các nhóm nghành khác nhau là không giống nhau. Qua thực tiễn có thể rút ra các bài học kinh nghiệm, đó cũng chính là nội dung giải pháp tăng cường hiệu quả công tác ATVSLĐ trong giai đoạn hiện nay.

 

1.    Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác chỉ đạo, thực hiện chương trình giáo dục ATVSLĐ. Trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình mục tiêu quốc gia, yêu cầu các khối trường thực hiện nghiêm túc công tác giảng dạy theo giáo án điện tử đã được nghiệm thu. Trên cơ sở định kỳ kiểm tra giám sát, đánh giá hiệu quả của công việc thử nghiệm giảng dạy giáo trình ATVSLĐ đối với cả hai khối trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Trong nhiều năm qua, hầu hết các cơ sở giáo dục trong cả nước đều thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chế độ chính sách về BHLĐ đối với nhà giáo, cán bộ quản lý và NLĐ tại các cơ sở: Phòng thí nghiệm, thư viện, xưởng, trạm… có yếu tố độc hại. Tuy nhiên có nơi chưa giải quyết triệt để; công tác kiểm tra giám sát ATVSLĐ nặng về hình thức; khám chữa bệnh chưa thường xuyên, chưa hiểu đầy đủ về yêu cầu khám sức khỏe định kỳ. Vì vậy tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ trong các cơ sở giáo dục là một việc làm cần thiết đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

 

2.    Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về ý nghĩa, tác dụng, hiệu quả của việc giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, của cán bộ, giảng viên, sinh viên về thực hiện ATVSLĐ. Hoàn thiện quy trình, quy phạm kỹ thuật tiêu chuẩn về ATVSLĐ phù hợp với khối ngành kỹ thuật, kinh tế, nông lâm ngư, văn hóa nghệ thuật… Hình thức tuyên truyền có thể thông tin những nội dung chủ yếu về ATVSLĐ đến nhà giáo, học sinh, sinh viên thông qua các lớp đào tạo chính khóa, hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho mọi người. Nội dung về công tác BHLĐ tùy thuộc yêu cầu của từng nhóm nghành, có thể giảng dạy thành môn học riêng biệt, hoặc tích hợp vào các môn học khác với nguyên tắc gọn nhẹ, khoa học, hợp lý và hiệu quả nhưng không nên quá nặng về những kiến thức hàn lâm mà mang tính xuyên suốt từ khi nhập môn đến kiểm tra đánh giá, thể hiện trong từng đơn vị kiến thức, kỹ năng thực hành và vận dụng vào thực tế công tác đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp.

 

3.    Tăng cường công tác kiểm tra theo ngành dọc, trong đó lấy tự kiểm tra làm khâu cốt yếu. Tự kiểm tra giúp cho chính người dạy, người học biết được điểm mạnh mà họ đã nhận thức được, nhưng điều quan trọng hơn là thấy được những điểm yếu kém cần rút kinh nghiệm, sửa chữa tron thời gian tiếp theo. Công tác kiểm tra mang tính kế hoạch, thể hiện rõ yêu cầu, nội dung tiến hành và thông báo tron lịch tháng, tuần; nếu thấy cần thiết có thể kiểm tra đột xuất mang tính khách quan và kết quả kiểm tra sẽ phải thông báo đến từng đơn vị; tránh bao che, cho qua những vụ việc nguy hại đến sức khỏe NLĐ, ví dụ như hỏa hoạn, thương tích trong giờ học và giờ lao động…

 

4.    Quan tâm hơn nữa công tác xây dựng và phát triển văn hóa ATVSLĐ. Điều này nghe qua tưởng là đơn giản, biết rồi không cần nhắc đến. Nhưng thực tế vấn đề xây dựng học tập, rèn luyện để có được văn hóa ATVSLĐ không đơn giản chút nào, mà phải được tập huấn, trải nghiệm mới có kết quả tốt. Chúng ta có cách nhìn nhận về văn hóa ATVSLĐ ở nhiều góc độ khác nhau nhưng có lẽ chung nhất vẫn là thể hiện ở một số nội dung sau: Người có văn hóa ATVSLĐ phải đáp ứng các yêu cầu thực hiện nghiêm túc Luật Lao động, Luật phòng cháy chữa cháy, các văn bản chỉ đạo, các yêu cầu quy định của từng cơ sở giáo dục về BHLĐ; áp dụng thành thạo các kỹ năng lao động, ngăn ngừa các BNN; biết phòng hộ cá nhân và tuân thủ nguyên tắc như kiểm tra chế độ thông gió, không ô nhiễm, trang phục chuyên dụng, sử dụng các thiết bị, máy móc theo đúng văn bản hướng dẫn, không chủ quan khi tiếp xúc với những yếu tố có nguy cơ cao về mất an toàn trong lao động như hóa chất độc hại, thiết bị điện, môi trường làm việc thiếu chỗ thoát hiểm, dễ cháy nổ.

 

5.    Tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản, dụng cụ, máy móc hiện đại giảm sức lao động và đảm bảo an toàn. Có thể tranh thủ sự hợp tác của Tổ chức Lao động quốc tế trong công tác BHLĐ, kỹ thuật an toàn lao động đồng thời vận dụng kỹ thuật, nông, lâm, ngư. Thực tế cho thấy trong khối trường trên đã nghiên cứu cho hiệu quả kinh tế cao như lai tạo giống cây trồng, chế tạo máy sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.

 

6.    Tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các chế độ chính sách phù hợp và thỏa đáng với sức lao động của từng nhóm ngành. Chẳng hạn đối với ngành công nghệ thông tin, tiếp xúc thời gian dài với máy tính và thiết bị chuyên dụng cần có chế độ bồi dưỡng kịp thời. Đối với giảng dạy học tập thể dục thể thao thường xuyên gặp các chấn thương, phải làm việc ngoài trời, nhiệt độ, chế độ gió, bức xạ luôn tác động đến cơ thể. Vậy chế độ bồi dưỡng như hiện nay đã đúng chưa? Đối với ngành nông, lâm, ngư thường phải làm việc trong môi trường độc hại thì cần phải bổ xung các dưỡng chất nào? Những vấn đề nêu trên cần được quan tâm, trải nghiệm, để có những giải pháp hiệu quả góp phần giải quyết triệt để vấn đề ATVSLĐ trong giai đoạn hiện nay.

 

TS. VŨ THỊ THANH BÌNH

 

Nguyên Phó Trưởng ban chỉ đạo công tác BHLĐ ngành Giáo dục

 

(Nguồn tin: Tạp chí Bảo hộ lao động 7/2014)


Tag: an toànATVSLĐlao độngvệ sinh
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
TẠP CHÍ YHDP
QUAN HỆ HỢP TÁC
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
VIDEO CLIP
BACK TO TOP