Bộ Y tế tổ chức Mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1/12

Với chủ đề “Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”, sáng ngày 30/11, tại Cung thi đấu thể thao Quần Ngựa Hà Nội, Bộ Y tế – Cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức mít tinh và diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại lễ mít tinh 


Dự Lễ mít tinh có Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế; Đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam; cùng Lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể, các vị khách quốc tế cùng đại diện các tầng lớp nhân dân của thành phố Hà Nội.

 

Trong bài phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việt Nam là nước có số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trong khu vực Châu Á – Thái Bình dương, sau các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. đến 30/9/2014, toàn quốc đã có 224.223 trường hợp nhiễm HIV đang còn sống được báo cáo và tính từ đầu vụ dịch HIV/AIDS đến nay đã có hơn 70 nghìn trường hợp người nhiễm HIV/AIDS tử vong. Trong suốt 25 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền và sự tham gia của các Ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Với sự cam kết chính trị mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương; mạng lưới Phòng chống HIV/AIDS rộng khắp toàn quốc; Việt Nam đã có nhiều mô hình thực hành tốt, áp dụng các tiến bộ trên thế giới, huy động được sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả là, trong vòng 6 năm trở lại đây, chúng ta đã kiểm soát được dịch HIV trong cộng đồng dân cư trên cả 3 phương diện: Giảm số ca nhiễm mới HIV, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại Việt Nam tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Một số tỉnh, một số khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục tăng. Mỗi năm nước ta vẫn có khoảng 10.000 – 12.000 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện, nâng tổng số lũy tích người nhiễm HIV còn sống tiếp tục tăng cao. Dịch HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Sự lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đang có xu hướng gia tăng và đã cao hơn đường lây nhiễm vốn phổ biến là đường máu. Hậu quả kéo theo sự gia tăng nhiễm HIV trong phụ nữ và trẻ em,. Trong khi đó, nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm, độ bao phủ của các dịch vụ can thiệp, dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS mới đạt khoảng 50%. Dịch HIV vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại nếu chúng ta lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

 

Các vị Lãnh đạo đi bộ diễu hành hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 


Tổ chức Lễ mít tinh và diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12 như là một thông điệp mạnh mẽ để một lần nữa khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam, của Lãnh đạo các cấp, các ngành cũng như mỗi người dân về mục tiêu “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” mà chúng ta đang hướng tới. Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

 

Tại Lễ mít tinh, bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam thể hiện sự tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đưa ra những quyết định cần thiết để thực hiện các vấn đề ưu tiên trong Chiến lược đầu tư và biến quyết tâm thành hành động thiết thực để thực hiện được mục tiêu 90-90-90:: 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người được phát hiện nhiễm HIV tham gia điều trị kháng vi-rút; và, 90% người tham gia điều trị được duy trì lượng HIV dưới ngưỡng ức chế và tiến tới Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 .

 

Để khẩu hiệu “Không kỳ thị và phân biệt đối xử” trở thành hành động thiết thực, phát biểu tại Lễ mít tinh, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị:

Thứ nhất, Lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân cần nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi trong chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho tất cả mọi người, đặc biệt quan tâm đến nhóm người dễ bị tổn thương, người dân sống vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.

 

Thứ hai, các gia đình và các tổ chức xã hội cần tăng cường sự hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIVAIDS. Đồng thời người nhiễm HIV/AIDS cần tăng cường trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội. Tạo điều kiện cho mọi người dân và đưa người nhiễm HIV phải trở thành một chủ thể tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

 

Thứ ba, tăng cường cung cấp các dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV của tất cả mọi người.

 

Và cuối cùng cần tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta nói chung và ở thành phố Hà Nội nói riêng.

 

Nguồn Cục phòng chống HIV/AIDS


Tag: 30/11chống aids 1/12chống hiv/aids năm 2014chống hiv/aids phối hợpchủ đềcung thi đấu thể thao quần ngựa hà nộidiễu hành hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòngkhông kỳ thịngười nhiễm hiv/aidsphân biệt đối xửsángtế - cơ quan thường trực phòngthế giới phònguỷ ban nhân dân thành phố hà nội tổ chức mít tinh
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
TẠP CHÍ YHDP
QUAN HỆ HỢP TÁC
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
VIDEO CLIP
BACK TO TOP