Người Việt loãng xương vì khẩu phần và thói quen ăn uống


Ngày 23/12, tại Hà Nội, Viện Y Xã hội học đã tổ chức Hội thảo “ Giải pháp dinh dưỡng phòng chống loãng xương tại cộng đồng” nhằm mục tiêu nâng cao kiến thức, hành vi cho người dân trong việc lựa chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe.

 

Tại Hội thảo, các chuyên gia đầu ngành đã đưa ra nhiều báo cáo khoa học với các nội dung chính xoay quanh các vấn đề về loãng xương, thực trạng và các giải pháp dinh dưỡng can thiệp. Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó trưởng Bộ môn Sinh lý học, Đại học Y Hà Nội, cho biết, hiện nay loãng xương là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt đối với nữ giới khi có tuổi, 25% phụ nữ trên 50 tuổi bị loãng xương cổ xương đùi, 49,5% bị loãng xương ở cột sống thắt lưng. Loãng xương là bệnh lý tiến triển âm thầm và làm suy giảm chất lượng cuôc sống của người bệnh. Loãng xương có thể khiến hệ thống khung xương bị thiếu hụt xương, gây suy yếu sức mạnh của toàn khung xương dẫn đến xương bị giòn và dễ gẫy. Khi tuổi cao, loãng xương có thể làm chiếu cao của một cá thể giảm từ 3 tới 5 cm.

 

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo 


Hiện nay loãng xương là một vấn đề xã hội học, những đối tượng có nguy cơ cao bị loãng xương là người cao tuổi, phụ nữ sau mãn kinh, người bị suy dinh dưỡng và người có lối sống không hợp lý như ăn mặn, hút thuốc và sử dụng nhiều rượu bia. Theo TS Trương Hồng Sơn – Trung tâm Dinh dưỡng và Sức khỏe, khi nói về vai trò của các chất dinh dưỡng thì canxi và vitamin D là 2 vi chất có vai trò quan trọng trong quá trình tạo xương vì: 99% calium là nằm ở trong xương và răng, chỉ có 1% canxi trong cơ thể là nằm trong máu để giữ các chức năng khác của cơ thể. Vitamin D có vai trò giúp chuyển hóa canxi trong cơ thể.

 

Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam khẩu phần ăn của người dân nhìn chung mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu can xi của cơ thể. Dinh dưỡng can xi và vitamin D trong khẩu phần ăn của người Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều do thói quen ăn uống chưa hợp lý, trong đó việc sử dụng nguồn canxi giá trị sinh học cao còn hạn chế. Lý giải vấn đề này, PGS.TS Lê Thị Bạch Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia bày tỏ sự lo ngại: Nguyên nhân gây thiếu can xi là do hấp thu can xi kém vì không có đủ lượng Vitamin D, cơ thể mất quá nhiều can xi qua đường nước tiểu do không có thới quen ăn uống lành mạnh. Nhiều người sử dụng nhiều nước ngọt có ga, nhiều protein động vật không đồng hành với tăng canxi. Bên cạnh đó là thói quen ăn quá mặn, trung bình một người Việt tiêu thụ đến 15,3g muối một ngày trong khi khuyến cáo của WHO (Tổ chức Y tế thế giới) chỉ là 5g. Ăn quá mặn sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị khẩu phần canxi trong cơ thể.

 

Loãng xương có thể khiến chiều cao người bệnh bị lùn đi 3 -5 cm khi về già 


Việc tăng cường bổ sung canxi qua con đường ăn uống hàng ngày cũng rất khó thực hiện vì cũng theo PGS.TS Mai: kể cả khi người tiêu dùng chọn các thực phẩm giàu canxi như trứng, cua đồng, tôm, cá dầu… để ăn hàng ngày cũng khó cung cấp đủ lượng canxi vì nếu cung cấp đủ lượng canxi/ngày thì phải ăn với số lượng đủ lớn, chẳng hạn như một ngày phải ăn đủ 13 quả trứng, cùng với đủ số lượng lớn tôm cua. Trong khí các thực phẩm khác, chẳng hạn như sữa và các chế phẩm từ sữa có giá trị sinh học, canxi cao dễ sử dụng, thuận tiện thì lại chưa trở thành thói quen ăn uống của người Việt (ngoại trừ trẻ em và người già).

 

Một nguyên nhân khác cũng làm ảnh hưởng tới nguy cơ bị loãng xương, đó là do sự thiếu hụt vitamin D trong cơ thể, TS Hương cho biết: tỷ lệ thiếu vitamin D ở mức gây bệnh (<20ng/ml) tại Việt Nam là 30% đối với nữ và 16 % đối với nam. Chúng ta cần thay đổi một số thói quen không tốt, chẳng hạn như, ánh nắng là rất yếu tố cần thiết cho sự hấp thụ để tổng hợp vitamin D, vì trên 80% sự tổng hợp từ tiền chất vitamin D dưới da là nhờ tác động quang hóa của tia cực tím từ ánh nắng mặt trời, chỉ 10 – 20% được cung cấp từ thức ăn. Bởi vậy, vào mùa hè ánh nắng lúc trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều cũng rất quan trọng nhưng đa phần chị em phụ nữ hay có thói quen bảo vệ làn da như đội mũ, che mặt kín, mặc áo chống nắng…

 

Để phòng tránh loãng xương cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, lựa chọn thực phẩm thông minh và từ bỏ một số thói quen không hợp lý kết hợp với việc vận động, luyên tấp thể dục thể thao hợp lý, theo bài tập sẽ giúp cho xương thêm chắc khỏe và dẻo dai.

 

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng Hội y học Việt Nam cho biết: Các báo cáo tại Hội thảo rất thiết thực và mang nhiều giá trị, góp phần làm cân bằng giữa y học cộng đồng và y học chuyên sâu. Tuy nhiên các báo lại chưa đề cập đến vấn đề tế bào gốc, có thể sử dụng tế bào gốc để kích thích tế bào gốc nội sinh trong điều trị bệnh loãng xương, đây là tiến bộ mới của y học trên thế giới, các hội thảo khoa học cần quan tâm.

 

Nguồn Sức khỏe & Đời sống



Tag: 23/12cộng đồnggiải pháp dinh dưỡng phòng chống loãng xươnghà nộihành vilợingười dânnhằm mục tiêu nâng cao kiến thứcsức khỏeviệc lựa chọn thực phẩmviệnxã hội học đã tổ chức hội thảo
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
TẠP CHÍ YHDP
QUAN HỆ HỢP TÁC
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
VIDEO CLIP
BACK TO TOP