Mua máy xét nghiệm Covid-19: Tâm, tầm và bản lĩnh của nhà lãnh đạo

Sau khi cơ quan chức năng khởi tố, bắt 7 cán bộ, nhân viên tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội do “thổi” giá hàng tỷ đồng khi mua máy xét nghiệm Covid -19 đã khiến cộng đồng “nổi sóng”. Nhiều người đặt câu hỏi nghi ngờ: Ở các địa phương khác có hay không việc“ bắt tay” với doanh nghiệp để nâng giá máy, ăn chênh lệch?
Nên hiểu cặn kẽ về máy xét nghiệm Covid-19
Để tìm hiểu về máy xét nghiệm covid-19, PV Thời báo Kinh Doanh gặp nhiều “chuyên gia” trong lĩnh vực thiết bị y tế. Ông Nguyễn Văn Trung là một người đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề thương mại các loại thiết bị y tế cho biết: Tạm gác chuyện tiêu cực lại. Nói một cách để mọi người dễ hình dung, dễ hiểu, máy xét nghiệp Covid-19 có rất nhiều loại. Nó cũng như ô tô, có loại ít tiền như Kia Moning, nhưng cũng có loại nhiều tiền như BMW chẳng hạn. Hoặc ngay xe ô tô Toyota cũng đã nhiều loại xe, nhiều đời (năm sản xuất), nhiều phiên bản từ thấp đến cao, hay nơi sản xuất, tiêu chuẩn thị trường tiêu thụ, để có giá khác nhau. Máy xét nghiệm Covid-19 cũng như vậy. Nên để so sánh địa phương A mua máy xét nghiệm Covid-19 chỉ có giá 1,5 tỷ hay một đại gia ở Buôn Ma Thuật mua máy chỉ có giá hơn 2 tỷ để tặng địa phương làm xét nghiệp Covid-19 , trong khi có địa phương B mua tới 7- 8 tỷ là sự so sánh khập khiễng. Để từ đó “chụp mũ” là có hiện tượng tiêu cực , tham nhũng là vội vàng và thiếu kiến thức.
Vị này cũng cho hay: Ngay kể cả cùng chủng loại máy nhưng cấu hình khác nhau, tốc độ, công suất khác nhau cũng đã cho giá máy khác nhau. Như máy vi tính hay điện thoại di động là ví dụ điển hình. Đó là chưa kể, địa phương nào thiếu thứ gì thì họ đầu tư, trang bị thứ đó, không nhất thiết phải trang bị đủ một gói đồng bộ.

Giá máy xét nghiệm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố 
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng: Nói về phần cứng, cũng như cái máy tính, ngoài cái chính là CPU, còn có các bộ phận phụ trợ như màn hình, chuột, bàn phím vv.. khi ráp các thành phần trên thì sẽ thành một cái máy tính hoàn chỉnh. Hệ thống xét nghiệm Covid-19 cũng tương tự như thế. Bao gồm thiết bị khuếch đại và phân tích kết quả (máy PCR); hệ thống tách chiết, hệ thống trộn, đĩa ly tâm… (tùy từng hãng, model, công suất từng loại máy, nhu cầu… mà có những phụ trợ đi kèm, ít từ 2 đến 3 thiết bị phối hợp, nhiều thì cả chục thiết bị phụ trợ. Đơn vị nào mua hệ thống đầy đủ, đơn vị nào mua theo nhu cầu (thiếu đâu mua đến đó) thì rõ ràng sẽ có mức giá… khác nhau.
Đó là chưa kể, dù là cùng hãng nhưng xuất xứ từ Đức, khác với Mỹ, Thụy Sĩ, hay do Malaysia sản xuất… Qua tìm hiểu của chúng tôi, đã có các tỉnh thành mua thiết bị cùng hãng nhưng có nơi xuất xứ khác nhau. Như có tỉnh mua thiết bị Qiagen của Đức hơn 7 tỷ đồng, nhưng theo một bảng báo giá chúng tôi có thì một hệ thống Qiagen của Thụy Sĩ lên tới hơn 8,5 tỷ đồng.
Để chứng minh cho những luận cứ trên nhiều chuyên gia đưa ra ví dụ như ở Đà Nẵng: Hệ thống Realtime PCR xét nghiệm Covid -19 do Đà Nẵng mua và bàn giao cho CDC Đà Nẵng có giá chỉ hơn 1,39 tỉ đồng.
Tuy nhiên, CDC Đà Nẵng vẫn chưa có máy bơm nên tách chiết mẫu tự động, vẫn phải làm thủ công nhiều công đoạn. Do vậy, ngoài hệ thống Realtime PCR, đợt dịch Covid-19, Đà Nẵng còn phải mua thêm 1 tủ lạnh âm sâu để bảo quản sinh phẩm, 1 máy nhân gen khi máy cũ không đủ công suất nên máy của Đà Nẵng có giá tiền thấp hơn.
Đấy là “phần cứng”, còn “phần mềm” cũng phức tạp không kém. Nhìn nhận một cách khách quan, trang thiết bị y tế nói chung và máy PCR xét nghiệm Covid -19 nói riêng là những sản phẩm đặc thù, nhưng không phải khách hàng nào cũng hiểu biết, hiểu sử dụng để “ mặc cả” với người bán. Thậm chí là nhiều chuyên gia xét nghiệm y tế cũng… rất mơ hồ.
Chính vì vậy, nhiều địa phương “mất ăn mất ngủ” vì chuyện mua sắm thiết bị xét nghiệm để tham gia phòng chống dịch. Bởi ngoài tìm hiểu, tham khảo đối chiếu, nhiều CDC còn tham gia tập huấn… để triển khai công tác phòng chống dịch. Trong khi thời điểm tập huấn cho việc này hầu hết là từ đầu tháng 3/2020 mới diễn ra. Chính vì vậy, nhiều CDC tỉnh, thành, đã không khỏi lúng túng khi không biết mua máy gì, hệ thống nào cho phù hợp? Giá cả ra sao… ? Bởi dịch bệnh Covid -19 mới xảy ra, tình hình phức tạp chưa từng thấy trong lịch sử. Trong khi việc xét nghiệm, quy trình… đều vừa làm vừa vận hành và điều chỉnh.
Tại thời điểm từ tháng 3 đến giữa tháng 4, ngày hay đêm, mưa hay nắng không thể ngăn bước đội quân chống dịch. 
Đó là “chủ đầu tư”, còn về phía nhà thầu, nhà phân phối thiết bị thì rõ ràng việc nhập theo giá đại lý cấp 1 hay đại lý cấp 2 , thập chí đại lý độc quyền cũng có giá bán chênh lệch nhau, trên cùng chung hệ thống máy, đời máy và model… là có thật.
Kết thúc câu chuyện giá máy xét nghiệm, nhiều chuyên gia lĩnh vực này cho rằng: không thể so sánh giữa các địa phương với nhau, bởi việc đưa ra giá máy như thế nào nó liên quan đến rất nhiều thứ, như: cấu hình, model, công năng, nhà sản xuất, năm sản xuất, các gói lựa chọn đi kèm và cả số lượng vật tư tiêu hao (bộ kit) là bao nhiêu khi “ đàm phán” mua máy.
“Mua tranh bán cướp”?!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc mua sắm thiết bị có nơi giao cho CDC, nơi giao Sở Y tế, nơi thành lập tiểu ban mua sắm trang thiết bị y tế do văn phòng UBND tỉnh, thành cùng các đơn vị như Sở Y tế, Sở Tài Chính, Sở khoa học công nghệ… Tuy nhiên, việc mua sắm thiết bị xét nghiệm Covid-19 phải dựa vào kiến thức tổng thể (như trình bày ở trên, ví dụ: về chuyên môn, về kỹ thuật và về giá cả vv. ).Thế nên chuyện mua sắm thiết bị dù đủ ban bệ, theo quy trình nhưng nếu không đủ kiến thức cũng chỉ như “thầy bói xem voi”. Chưa kể việc mua sắm theo kiểu chỉ định thầu nên nếu bên mua thiếu “kinh nghiệm”, thông tin, chỉ tham chiếu với đơn vị mua trước nhưng đơn vị mua trước lỡ “có sơ suất” thì kéo theo hàng loạt đơn vị mua sau “đi theo vết xe đổ” từ đơn vị mua trước.
Ở góc độ thị trường, kể từ khi có BN số 17 (các chuyến bay từ nước ngoài về) thì mọi người, ở mọi địa phương như ngồi trên chảo lửa. Điều đó khiến cho thị trường thiết bị y tế nói chung và máy xét nghiệm Covid-19 nói riêng càng “sốt nóng”. Những địa phương có nguy cơ cao bị Covid-19 xâm nhập dễ dẫn đến lây lan như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh… thì chỉ riêng mặt hàng khẩu trang y tế 3-4 lớp đang có giá từ 30.000 đồng-50.000 đồng/ hộp ( tùy theo hãng sản xuất và chất lượng), nhưng trên thị trường đã bị đẩy lên với mức giá 250-300.000 đồng /hộp. Hay thiết bị đo thân nhiệt cá nhân, lúc bình thường chỉ bán từ 500.000-700.000 đồng/cái, nhưng đến khi có dịch đã vọt lên từ 1 triệu đồng đến hơn 2 triệu đồng/ chiếc, nhưng cũng không có ai dám bán để mua. Hoặc khách hàng có mua được thì giá thật cũng không được ghi trong hóa đơn.
Các trạm, chốt hoạt động 24/24 giờ để kiểm soát người ra vào thành phố Hải Phòng 
Cũng các chuyên gia về thiết bị y tế cho rằng: Nhỏ như cái khẩu trang, cái máy đo thân nhiệt , còn như vậy. Trong khi đó, máy xét nghiệm Covid-19 có giá nhiều tỷ đồng, dĩ nhiên ít có đơn vị nào dám “ ủ” vài ba chục cái trong kho. Và trong điều kiện mạng sống của nhân dân là trên hết, nhiệm vụ phòng chống dịch là số 1 nên địa phương nào cũng muốn có trước để xét nghiệm nhằm “giải phóng” tâm lý cho nhân dân, cũng như để có chỉ đạo, hành động khoanh vùng, cách ly, cô lập kịp thời khi có bệnh nhân bị nhiễm covid-19 hoặc trên địa bàn có người nghi nhiễm (hoặc F1, 2, 3).
Vậy nên xảy ra cảnh “mua tranh bán cướp”. Có nghĩa cứ mang máy về để xét nghiệm đã, tiền nong tính sau, theo Luật chống dịch và quy trình chỉ định thầu (với sự thẩm định giá của các cơ quan chức năng).
Ông Nguyễn Văn Trung bổ sung : Ở góc độ kỹ thuật của máy. Nhiều máy ở dạng “đóng”. Có nghĩa khách hàng bắt buộc phải mua vật tư tiêu hao của doanh nghiệp, nhà thầu (bộ kít) nên “người bán máy” rất bình tĩnh, sẵn sàng tin tưởng cho khách hàng “mượn máy” mà không lo sợ thiệt thòi sau này nếu máy không được khách hàng mua.
Chỉ riêng Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức hàng chục cuộc họp chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 
Như vậy, để thấy, nhà lãnh đạo nếu có tâm, có tầm, có tài, có bản lĩnh và cả sự khéo léo, dung hòa thì việc “mắc bẫy” người bán máy xét nghiệm Covid-19 là khó xảy ra. Và dĩ nhiên, địa phương có cái để dùng trong lúc nước sôi lửa bỏng và nhân dân được nhờ (không lo lắng hoang mang) để tạo điều kiện cho phát triển KT-XH sau khi dịch đi xuống.
Còn nếu không, cơ quan chức năng cần làm rõ có việc “bắt tay” giữa chủ đầu tư với nhà thầu để “thổi giá”?. Có hay không việc lợi dụng khan hiếm thiết bị mà giá máy tăng lên. Hay các doanh nghiệp, nhà thầu đã nhân tình hình dịch bệnh khó nhập máy để “nâng giá”?. Có hay không, một số tỉnh thành vì đặt lòng tin vào nhà thầu do “năng lực có hạn” nên đã mua hệ thống xét nghiệm Covid -19 với giá cao?
#Báo Thời báo kinh doanh

Tag: ăn chênh lệchbắt 7 cán bộbắt taycơ quan chức năng khởi tốdoanh nghiệp để nâng giá máyđịa phương khácgiá hàng tỷ đồngmua máy xét nghiệm covid -19 đã khiến cộng đồngnhân viênnhiều người đặt câu hỏi nghi ngờ:nổi sóngthổitrung tâm kiểm soát bệnh tật (cdc) hà nộiviệc
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
TẠP CHÍ YHDP
QUAN HỆ HỢP TÁC
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
TVWHO
VIDEO CLIP
BACK TO TOP